Du lịch từ thiện - Sức hút riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Không quá rầm rộ, song du lịch từ thiện vẫn được các công ty lữ hành duy trì nhằm mang đến nhiều lựa chọn cho du khách. Tuy khó tổ chức và kén người tham gia nhưng các tour này vẫn có sức hút riêng bởi mang lại cơ hội sẻ chia, giao lưu... cho mỗi người.

Trải nghiệm, khám phá, chia sẻ

Gần chục năm trước, khi xu hướng làm từ thiện phát triển mạnh, các công ty lữ hành bắt đầu xây dựng các tour từ thiện. Không chỉ đem đến kiến thức, cơ hội khám phá về văn hóa, lịch sử, hành trình tour dạng này còn giúp du khách cảm nhận niềm vui, sự sẻ chia với những vùng đất, khu dân cư còn nhiều gian khó...


 

 Trao quà cho học sinh vùng cao trong một chuyến du lịch từ thiện do Vietravel tổ chức.
Trao quà cho học sinh vùng cao trong một chuyến du lịch từ thiện do Vietravel tổ chức.



Chị Nguyễn Thị Kiều Trang (TP Hồ Chí Minh) đã 3 lần tham gia chương trình du lịch từ thiện của Công ty Vietravel. Công việc bận rộn song mỗi năm chị đều cố gắng sắp xếp thời gian tham gia một chuyến du lịch từ thiện bằng cách tìm tour tại các công ty lữ hành... Qua những hành trình đó, chị có được sự sẻ chia, cảm nhận nhiều hơn về ý nghĩa của cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Hát (Hà Nội) từng tham gia 3 chuyến du lịch từ thiện trong một năm. Ông mê chụp ảnh, đặc biệt thích chụp các em bé vùng cao. Hình thức du lịch này giúp ông Hát đạt được nhiều mục đích trong một chuyến đi. Ông kể, sau những chuyến du lịch từ thiện, nhiều nhóm trở nên thân thiết với nhau, tới mức thường xuyên hội họp, giao lưu, hẹn nhau tiếp tục đồng hành trong những chương trình khác. Thậm chí, câu chuyện từ chuyến đi của ông còn đưa những người khác tới hành trình du lịch từ thiện kế tiếp.

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội, thành viên tham gia đoàn du lịch từ thiện gồm rất nhiều lứa tuổi, đến từ nhiều vùng miền. Họ có thể là những người cao tuổi đi cùng Hội Hưu trí, Hội Phật tử hay những Việt kiều về thăm quê kết hợp làm từ thiện. Đôi khi trẻ em cũng được bố mẹ cho đi cùng để chúng có cơ hội học cách sống nhân ái, bao dung...

Không dễ tổ chức

Cũng theo ông Phạm Văn Bảy, du lịch từ thiện được Vietravel phát triển từ năm 2012. Năm nay, trong khoảng tháng 9-2018 đến tháng 1-2019, Vietravel Hà Nội sẽ thực hiện các chương trình du lịch kết hợp từ thiện mang tên “Áo ấm cho em”. Chương trình được triển khai theo 4 cung đường Đông - Tây Bắc gồm: Mù Cang Chải - Sapa - điểm Trường Hang Đá; Hà Giang - điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Thái An; Điện Biên - Trường Phổ thông dân tộc số 2 xã Na Tông - Sơn La; Thái Nguyên - Cao Bằng. Chi phí mỗi tour dao động từ 2,99 triệu đến 3,39 triệu đồng/người, trong đó, nhà tổ chức hỗ trợ 100% chi phí đi lại và vận chuyển quà tặng...

Để tổ chức tour dạng này, đơn vị lữ hành phải tiến hành khảo sát để tìm điểm trường phù hợp. Tiêu chí để chọn là những trường học còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất và về kinh phí tổ chức ăn, nghỉ cho học sinh bán trú; ­có thể bảo đảm phương thức di chuyển an toàn cho người và quà tặng tới điểm trường; cơ quan chức năng cho phép tổ chức chương trình. Rồi làm việc với nhà trường về thời gian tổ chức chương trình, nhu cầu quà tặng của học sinh và nhà trường, số lượng học sinh từng bậc học (để chuẩn bị áo ấm đúng cỡ), danh sách học sinh nghèo vượt khó (để trao học bổng)…

Về phía du khách, yêu cầu đặt ra là phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, tâm lý. Ông Phạm Văn Bảy phân tích: “Du khách tham gia tour từ thiện cần bảo đảm sức khỏe và chuẩn bị tâm lý bởi điều kiện ăn, nghỉ trong chuyến đi từ thiện không thể như các tour thuần túy. Để đề phòng sương lạnh vùng cao, du khách được khuyến cáo mang theo áo khoác, khăn, thuốc trị cảm lạnh. Nên mang theo mũ, đi giày bệt hoặc giày thể thao để tiện di chuyển”.

Cái khó cho nhà tổ chức nhưng là điều kiện thuận lợi cho du khách khi họ được bảo đảm về nơi ăn, chốn nghỉ và phương tiện di chuyển, điểm trường làm từ thiện thường do UBND huyện, xã chỉ định. Vì thế, hiếm khi xảy ra chuyện “vỡ” chương trình hay chương trình không được triển khai như kế hoạch.

Đại diện các công ty lữ hành như Vietravel, Fiditour… đều khẳng định, tổ chức tour từ thiện hầu như không có lãi trong khi nhà tổ chức phải giải quyết nhiều đầu việc hơn hẳn so với khi tổ chức các loại hình tour khác. Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Công ty Fiditour cho biết: “Các tour thiện nguyện thường không có lãi nhưng việc tổ chức lại tốn công sức, thời gian. Điểm đến thường là vùng sâu, vùng xa nên khó đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của du khách. Cũng vì vậy, không có nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác loại hình này”.

Tuy nhiên, tour du lịch từ thiện vẫn có sức hút nhất định bởi góp phần tăng nguồn thu, xóa đói giảm nghèo, tạo cơ hội giao lưu, tìm hiểu văn hóa các vùng miền cho du khách. Nhìn chung, đó là một trong những sản phẩm du lịch cần được đẩy mạnh bởi mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Về lâu dài, loại hình tour này vẫn có chỗ đứng vì đáp ứng được nhu cầu của nhiều người.

Minh Quang (HNM)

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.