Du lịch từ góc nhìn của người mê khám phá - Kỳ cuối: Du lịch về... miền nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trên các số báo Gia Lai Cuối tuần những năm lại đây có chuyên mục “Gia Lai miền nhớ”.

Ở chuyên mục này, các tác giả đưa người đọc về những miền ký ức, có thể nói không thể nào quên một thuở, bằng ngôn ngữ và cách thể hiện sinh động, súc tích, gợi nhớ về những quá khứ xa xưa. Là người đọc không sót bài viết nào của chuyên mục này, tôi nghĩ có thể lắm chứ, những chuyến du lịch... miền nhớ!

Về với cội nguồn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. “Biết sử ta” không phải chỉ đơn thuần là học thuộc lòng để nhớ một số sự kiện, một vài chiến công nói lên tiến trình đi lên của dân tộc hay ghi nhớ công lao của những người làm nên sự nghiệp to lớn đó, mà còn phải biết tìm hiểu “cho tường gốc tích nước nhà”, tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức, của đạo lý làm người Việt Nam: ăn quả nhớ người trồng cây. Làm người phải biết cội, biết nguồn, biết gốc tích tổ tiên, ông bà, làng xóm, quê hương, hơn thế là của dân tộc, Tổ quốc mình.

Cây mít cổ thụ trong Khu di tích Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An, huyện Kbang). Ảnh: B.Q.V

Cây mít cổ thụ trong Khu di tích Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An, huyện Kbang). Ảnh: B.Q.V

Cũng đã có nhiều doanh nghiệp lữ hành ở ta tổ chức những chuyến du lịch về nguồn, nhưng sao chưa hấp dẫn lữ khách? Người viết bài này cũng đã tham gia nhiều chuyến về nguồn-miền nhớ, nhưng thông tin của nhà “du lịch” cung cấp cho khách có vẻ còn hạn chế lắm, đi và nhìn là chủ yếu. “Gốc tích” ra sao thì tự tìm hiểu.

Đứa em tôi sắp từ nước ngoài về, nhắn rằng: Dịp này, em muốn tôi đưa đến nơi ngày xưa ba mình công tác, ấy là cơ quan Ban Tổ chức Khu ủy Khu 5-Quảng Nam. Biết tin, anh bạn tôi ở Đà Nẵng thông báo, đường về Khu di tích lịch sử Nước Oa, nếu đi từ hướng Kon Tum thì hơi khó, còn từ Tam Kỳ lên thì khá tốt. Và, cụm di tích lịch sử cách mạng Khu 5 giờ được tôn tạo, nâng cấp, bảo vệ và khai thác rất tốt.

Khu di tích lịch sử Nước Oa thuộc xã Trà Tân, huyện Trà My, nằm trong vùng rừng núi, cách thị trấn Trà My 8 km về phía Tây-Nam. Đây là khu căn cứ của cơ quan Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1960-1975).

Căn cứ địa Nước Oa là một vùng rừng núi, ở phía trước, 2 con sông Trường và sông Nước Oa tạo nên triền đất bãi bồi quanh co kéo dài và liên kết các thung lũng lớn nhỏ, cao thấp bên trong. Nơi đây thuận lợi cho việc tiến thoái, ẩn trú, cất giấu vũ khí, xuất quân ém quân và di chuyển, khai thác nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ để tồn tại lúc ngặt nghèo. Chính vì vậy, Khu ủy Khu 5 quyết định chọn nơi này làm căn cứ địa trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 1973, tại khu căn cứ đã diễn ra nhiều cuộc họp bí mật quan trọng và tập huấn cán bộ, lãnh đạo các tỉnh Khu 5 sau khi ký Hiệp định Paris để lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống Mỹ-ngụy giải phóng miền Nam.

Khu di tích này có đến 4 tiểu khu di tích tập trung gồm khu tưởng niệm của Ban An ninh Khu 5, bia tưởng niệm của Ban Dân y Khu 5, Khu tưởng niệm của Hội Nông dân Khu 5 và Khu di tích lịch sử Nước Oa.

Dọc theo con sông Trường, nhiều trường học đứng chân như: Trường T.74, Trường Y sĩ, Trường Trung cấp Nông lâm thủy lợi, Trường Trung cấp Cơ yếu... Tôi là học viên Trường Trung cấp Cơ yếu từ năm 1974 cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975).

Khu di tích lịch sử Nước Oa thuộc xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đ.M.P

Khu di tích lịch sử Nước Oa thuộc xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đ.M.P

“Miền nhớ” Nước Oa ấy, cứ mỗi năm những ngày tháng 3 về, trong tôi lại nhớ về bao kỷ niệm. Sau Tết Nguyên đán 1974, cả vùng căn cứ địa Khu 5 này những con đường ra phía trước nườm nượp ngày đêm những đoàn xe vận tải chở bộ đội, quân trang, quân dụng; nhiều trường học ngừng dạy, học viên lên đường ra tiền tuyến. Riêng Trường Trung cấp Cơ yếu vẫn duy trì dạy và học, nhưng tâm trí của thầy trò chúng tôi như chẳng thể ngồi yên. Đêm 10-3-1975, lãnh đạo nhà trường thông báo, Buôn Ma Thuột đã được giải phóng, rồi liên tiếp những ngày sau đó, Kon Tum và Pleiku giải phóng. Tin chiến thắng dồn dậy được nhà trường thông báo sau từng tiết học. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng sắp bắt đầu và chiến thắng oanh liệt, giải phóng các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975. Mỗi lần trở về “miền nhớ” Nước Oa, thắp nén hương cho hương hồn các anh chị, cô chú đã chiến đấu và hy sinh ở nơi này, trong đó có chú của tôi, lòng tôi vô cùng xúc động, xót thương người đã ngã xuống cho đất nước non sông có được như ngày hôm nay.

“Miền nhớ” của ta

Trên chiến trường Gia Lai cũng có biết bao nhiêu nơi là... miền nhớ, có những “địa chỉ đỏ” đã được xếp hạng di tích, nhưng không ít chỗ còn trong lãng quên theo thời gian. Nhiều nơi “xếp hạng” rồi nhưng sự chăm sóc, tu bổ, phục chế... không được quan tâm đầu tư thích đáng, bởi 2 chữ “kinh phí”? Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang) là nơi Tỉnh ủy và các cơ quan của tỉnh đứng chân lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua nhiều nhiệm kỳ của cấp ủy và chính quyền địa phương và sự cố gắng của các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đã được đầu tư phục chế, xây dựng lại theo chủ trương xã hội hóa.

Một đoạn quốc lộ 19 trước đây được xem là đầu mối của đường hành lang Trung ương-Bắc Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Đ.M.P

Một đoạn quốc lộ 19 trước đây được xem là đầu mối của đường hành lang Trung ương-Bắc Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Đ.M.P

Còn nhớ, sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tháng 1-1973, tôi bất đắc dĩ làm nhiệm vụ đưa một đoàn cán bộ từ phía Bắc đường 19 sang phía Nam đường để đi về Phú Yên, Khánh Hòa. Sau Hiệp định Paris, trên trục đường 19, địch có giảm bớt càn quét, lùng sục, phục kích nên con đường hành lang Bắc-Nam xuyên qua đường 19-đoạn qua xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) có đỡ căng thẳng hơn trước đó. Đoàn cán bộ gồm 30 người, chủ yếu là nữ, trẻ mới từ miền Bắc bổ sung vào Khu 5. Trời còn rất sớm, chúng tôi dừng lại bên con thác nước khá cao nằm trên con đường bí mật của chúng tôi.

Các bạn trẻ trong đoàn chúng tôi, hôm ấy tha hồ tắm táp, vui đùa thỏa thích trong dòng nước mát rượi, trong veo, bình yên nơi rừng già, có nhiều cây thông có lẽ đã hàng trăm năm tuổi phủ dày rêu phong. Khi huyện Đak Pơ được thành lập, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trung Tâm rất hào hứng việc kêu gọi đầu tư, xây dựng, khai thác du lịch ở vùng rừng, thác và cây nơi này; nhưng rồi lực bất tòng tâm, không có tiền thì chịu bỏ cuộc. Dù bỏ cuộc, nhưng là người trong cuộc, tôi mơ ước giá mà địa phương đầu tư chút ít vốn, xây lên một cái bia ghi... đại thể “nơi đây là đầu mối của đường hành lang Trung ương-Bắc Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” ngay trên đoạn quốc lộ 19, dưới chân đèo Mang Yang, khu vực làng HWay, được vậy cũng giúp những người trong cuộc như chúng tôi đỡ phần nào nhớ về... miền nhớ xa xưa.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 chứng kiến nắng nóng gay gắt như đổ lửa trải dài từ Bắc vào Nam, nên những bãi biển mát lạnh hay vùng núi cao ngập cây xanh trở thành ưu tiên của nhiều gia đình đi chơi dịp này với quan điểm: Du lịch là phụ, trốn nóng là chính.
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.