Du lịch thế giới tìm đường phục hồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau nhiều tháng gặp khủng hoảng vì doanh thu sụt giảm do đại dịch Covid-19, ngành du lịch thế giới đang ra sức bù đắp cho những gì đã mất.

Nhật Bản khởi động chiến dịch “Go To” để kích cầu du lịch nội địa PHÁT TIẾN
Nhật Bản khởi động chiến dịch “Go To” để kích cầu du lịch nội địa PHÁT TIẾN
Tổn thương nghiêm trọng
Du lịch vốn là một trong những ngành kinh tế có quy mô đóng góp và sinh lợi rất lớn cho thế giới. Theo Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), lữ hành và du lịch chiếm 10,3% GDP toàn cầu và 330 triệu việc làm, tức là gần 1/10 việc làm thế giới năm 2019. Cũng vào năm 2019, lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng 3,5%, cao hơn cả mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 2,5%.
Thế nhưng, vì áp lực dịch Covid-19, chính phủ nhiều nước phải hạn chế việc đi lại, khiến ngành du lịch gặp khó khăn nghiêm trọng. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố đầu tháng 9, ngành du lịch toàn cầu bị thiệt hại gần 1.000 tỉ USD vì bệnh dịch Covid-19, khiến 120 triệu lao động trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO - Liên Hiệp Quốc), lượng du khách quốc tế đã giảm 65% trong nửa đầu năm 2020. Trong đó, tính riêng tháng 6 lượng du khách quốc tế giảm đến 93% so với cùng kỳ năm 2019.
Kích cầu kiểu hào phóng
Theo phân tích mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới từ cuối tháng 7, 40% các điểm du lịch trên toàn thế giới đã nới lỏng các hạn chế liên quan ứng phó Covid-19.
Việc khởi động lại du lịch có trách nhiệm đang được tiến hành trên toàn cầu khi số lượng điểm du lịch mở cửa trở lại tăng. Theo tờ The Indian Express, nhiều nước đã cung cấp một loạt ưu đãi để kích cầu du lịch.
Trong đó, chính phủ Uzbekistan hứa cung cấp 3.000 USD chi phí điều trị y tế cho bất kỳ khách du lịch nào mắc phải Covid-19 khi đến thăm đất nước này. Đây là một động thái nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Đảm bảo an toàn cho du khách” được Tổng thống Shavkat Mirziyoyev chỉ đạo.
Nhật Bản đã khởi động chiến dịch “Go To” (tạm dịch: “Đi tới”) để thúc đẩy du lịch nội địa. Chiến dịch cung cấp khoản trợ cấp lên tới 50% cho tất cả chi tiêu du lịch trong nước - bao gồm chi phí đi lại, ăn ở, tham quan các điểm du lịch và mua sắm tại Nhật Bản. Chiến dịch bắt đầu vào ngày 22.7 và dự kiến sẽ tiếp tục ở nước này cho đến mùa xuân năm 2021. Tuy nhiên, do số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng đều đặn, Tokyo đã bị loại khỏi chương trình này.
Vừa qua, hòn đảo Sicily miền nam nước Ý thông báo sẽ đài thọ một nửa chi phí chuyến bay và 1/3 chi phí khách sạn cho những du khách có kế hoạch đến thăm danh lam thắng cảnh tại đây. Nơi đây cũng cung cấp vé miễn phí để tham quan các bảo tàng và địa điểm khảo cổ.
Đảo Síp thì tuyên bố đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở và thuốc men cho tất cả du khách cùng gia đình của họ nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 khi đến thăm quốc đảo này. Nước này cũng thiết lập một bệnh viện 100 giường dành riêng cho những du khách mắc bệnh.
Còn Hy Lạp thì đang thu hút khách du lịch nước ngoài bằng cách giảm thuế vé máy bay. Sau khi giảm thiểu hiệu quả tác động của đại dịch, nước này đã cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tất cả phương thức vận tải từ 24% xuống 13%.
Điều cấp thiết là chúng ta phải xây dựng lại ngành du lịch theo cách thức “an toàn, công bằng và phù hợp với khí hậu”, “đảm bảo du lịch lấy lại vị thế, đồng nghĩa cung cấp việc làm tốt, thu nhập ổn định cũng như bảo vệ nền văn hóa và di sản thiên nhiên của chúng ta”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres
Theo Nguyễn Thạch Thảo (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Khách Tây đội nón tai bèo, quấn khăn rằn hòa cùng không khí hào hùng 30/4

Sáng 30/4, khu vực trung tâm TPHCM rợp cờ đỏ sao vàng và kín đặc người dân đổ về xem diễu binh, diễu hành. Giữa dòng người reo hò là hình ảnh du khách nước ngoài đội nón tai bèo, quấn khăn rằn, hòa mình vào không khí hào hùng của đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước.

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

(GLO)- Một ngày giữa tháng Tư, tôi có chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh. Như tín hiệu của vũ trụ, có điều gì đó thôi thúc tôi phải về với nơi mà 50 năm về trước, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui của ngày đại thắng, thống nhất non sông.