(GLO)- Dịch sốt xuất huyết đang hoành hành ở các tỉnh Tây Nguyên với hơn 11 ngàn người mắc bệnh và nhiều người đã tử vong. Chính phủ, Bộ Y tế đang vào cuộc hỗ trợ các địa phương chống dịch bệnh. Tại Gia Lai, mặc dù công tác phòng-chống dịch đang được triển khai ráo riết nhưng số bệnh nhân vẫn tăng lên từng ngày.
Hàng ngàn người mắc
Thành phố Pleiku đang là trung tâm của dịch sốt xuất huyết với tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 1.207 người. Chỉ tính trong buổi sáng 8-8, Bệnh viện TP. Pleiku tiếp nhận thêm 8 bệnh nhân dương tính với vi rút sốt xuất huyết, nâng tổng số bệnh nhân đang điều trị tại đây lên 169 người. Các bác sĩ cho biết, Khoa Nội có 70 giường bệnh phải trưng tập thêm 10 giường bệnh ở các trạm y tế xã, phường và huy động 10 giường của Khoa Ngoại để cho bệnh nhân nằm điều trị. Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường.
Ảnh: Đ.T |
Tình trạng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện dồn dập khiến Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) quá tải. Hơn 1 tuần nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện liên tục tăng. Trong buổi sáng 8-8, các phòng bệnh ở 2 tầng lầu của Khoa Bệnh nhiệt đới đông đặc bệnh nhân. Bệnh nhân phải nằm chung 2 người/giường. Bác sĩ Rơ Com Manh-Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho hay: Sáng 8-8, Khoa có 179 bệnh nhân, trong đó 150 trường hợp dương tính với vi rút sốt xuất huyết. Khoa chỉ được biên chế 40 giường bệnh, không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm nên lãnh đạo Sở Y tế quyết định chuyển toàn bộ bệnh nhân của Khoa Đông y và Khoa Phục hồi chức năng về điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh để lấy chỗ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; kết hợp điều thêm 15 giường từ Bệnh viện Tâm Thần kinh và mua thêm 20 giường nữa là thực kê được 149 giường bệnh. Vẫn có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm chung 2 người/giường.
Đáng lo ngại là tình trạng bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng nhập viện gia tăng. Theo bác sĩ Rơ Com Manh, một phần nguyên nhân do người dân còn chủ quan, khi người nhà có các triệu chứng sốt cao trên 38,5 độ dùng thuốc hạ sốt không tác dụng nhưng lại tự ý mua thuốc ở phòng mạch tư về chữa mà chậm trễ đưa người bệnh đến cơ sở y tế khiến bệnh nặng thêm. Một lý do khác là các cơ sở điều trị tư nhân, kể cả bệnh viện tuyến dưới đang lạm dụng truyền dịch khiến một số bệnh nhân bị nặng hơn. Chẳng hạn, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Viết Thiện (7 tuổi, tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) bị sốt từ ngày 30-7, nhập Bệnh viện Pleiku sáng 31-7 nằm điều trị 4 ngày, truyền dịch liền bị ứ nước ổ bụng phải chuyển cấp cứu xuống Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh nằm thêm 2 ngày đêm mới thoát khỏi cơn nguy kịch.
Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho thấy, tính đến ngày 7-8, toàn tỉnh đã ghi nhận 4.370 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, cao nhất trong 4 tỉnh Tây Nguyên-vùng trọng điểm dịch sốt xuất huyết của cả nước. Riêng trong ngày 7-8, toàn tỉnh ghi nhận 51 ca bệnh mới. Bệnh sốt xuất huyết đang như cơn bão quét qua địa bàn tỉnh Gia Lai với 154/222 xã, phường, thị trấn của cả 17 huyện, thị xã, thành phố có người mắc bệnh.
Trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu phải dồn sức chống dịch. Chính phủ đã cấp đột xuất 2 tỷ đồng cho 4 tỉnh Tây Nguyên và sẽ chuyển sớm kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các ổ dịch… |
Cấp bách phòng-chống sốt xuất huyết
Tại Hội nghị phòng-chống sốt xuất huyết ngày 7-8 ở Đak Lak do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì, ngành Y tế tiếp tục khẳng định 4 tỉnh Tây Nguyên đang là trọng điểm sốt xuất huyết của cả nước, trong đó Gia Lai có số lượng bệnh nhân đông nhất và đã có 1 người chết vì sốt xuất huyết.
Nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến trong năm nay do hiện tượng thời tiết thất thường tạo điều kiện muỗi bùng phát gieo rắc mầm bệnh; đợt nắng hạn kỷ lục ở Tây Nguyên khiến nhiều hộ dân trữ nước trong chum vại để sinh hoạt tạo môi trường cho muỗi sinh sôi truyền bệnh. Theo bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thì tình trạng bệnh sốt xuất huyết kéo dài và bùng phát mạnh trong thời gian gần đây do thời tiết đang vào mùa mưa, tiết trời nóng ẩm thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Trong cộng đồng có muỗi truyền bệnh nhưng ý thức người dân chưa cao trong việc tự triển khai các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt; một số hộ dân thời gian đầu chưa hợp tác với ngành Y tế, họ đóng cửa không cho cán bộ y tế vào nhà phun hóa chất diệt muỗi.
Bác sĩ Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh trong năm nay là theo quy luật “chu kỳ 5 năm” bệnh quay trở lại. Năm 2010, dịch sốt xuất huyết làm 3.573 người mắc, 2 người chết; các năm tiếp theo bệnh giảm rõ rệt (98 ca năm 2011) rồi tăng dần đến năm 2015 là 3.022 ca và có 1 người chết. “Một phần nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến thời gian gần đây do kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng-chống bệnh sốt xuất huyết năm 2016 đến nay không được cấp nên các đơn vị y tế không chủ động triển khai các hoạt động, kể cả phòng-chống dịch bệnh. Giai đoạn đầu, hóa chất hạn chế nên chỉ sử dụng trong xử lý dịch khi có ca bệnh, không phun chủ động những khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch, nên không thể loại trừ triệt để véc tơ truyền bệnh trong môi trường và cộng đồng”-bác sĩ Hải nói.
Tại Hội nghị phòng-chống sốt xuất huyết vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo phải đẩy mạnh truyền thông, phải ra sức giải thích cho người dân hiểu muốn dập dịch sốt xuất huyết thì phải nằm ngủ trong màn tránh bị muỗi đốt, phải diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy). Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống như: thả cá vào bể chứa nước, lật úp chum vại, chai lọ, lốp xe hư; dùng vợt hoặc bình xịt diệt muỗi và phun hóa chất, nhất là tại các công trường xây dựng, các dụng cụ chứa nước, khu dân cư… Sở Y tế kêu gọi người dân có biểu hiện bệnh phải đến ngay cơ sở y tế, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà. Sở Y tế sẽ tổ chức giám sát các ổ dịch, theo dõi diễn biến số lượng bệnh nhân hàng ngày, đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức xử lý sớm ổ dịch, phát hiện sớm bệnh nhân và cấp cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.
Đức Phương-Nguyễn Tú