Đêm phố cổ là sản phẩm du lịch 'độc quyền' của Hội An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đêm phố cổ Hội An được tổ chức định kỳ vào tối 14 Âm lịch hằng tháng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và không thể thiếu của TP. Hội An.  

 Hát bài Chòi là một trong hoạt động văn hóa đặc sắc trong Đêm phố cổ Hội An. Ảnh: VGP/Thế Phong
Hát bài Chòi là một trong hoạt động văn hóa đặc sắc trong Đêm phố cổ Hội An. Ảnh: VGP/Thế Phong



UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) vừa tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện đề án “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX (1998-2018)”. Đây là sản phẩm du lịch văn hóa riêng có, do chính quyền và nhân dân TP. Hội An dày công nghiên cứu và phục dựng.

Đề án được triển khai từ tháng 9/1998 với mục tiêu phục hồi cảnh quan và các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân Hội An xưa, phát huy tốt tiềm năng văn hóa trong khu phố cổ để phát triển du lịch, cũng như tăng cường quảng bá giá trị văn hóa và con người Hội An đến với du khách trong nước và quốc tế.

Với quyết tâm triển khai của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, đề án từng bước được triển khai tại khu phố cổ, với những hành động cụ thể như tắt đèn ánh sáng trắng trong nhà và cửa hàng, thắp lồng đèn trước hiên nhà, sử dụng trang phục truyền thống, không để xe trên lề đường và trước hiên nhà, giữ gìn vệ sinh, nhắc nhở mọi người không vớt hoa đăng… từng bước hình thành diện mạo đêm phố cổ Hội An xưa.

Với thành công bước đầu, chính quyền tiếp tục đầu tư ý tưởng, đổi mới phương thức tổ chức, bổ sung thêm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào đêm phố cổ như hát hò khoan đối đáp, hát dân ca, trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, nghệ thuật bài Chòi… đã tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách khi đến Hội An về đêm.

Ngày nay, Đêm phố cổ Hội An được tổ chức định kỳ vào tối 14 Âm lịch hằng tháng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và không thể thiếu của TP. Hội An. Trước, trong và sau đêm phố cổ, lượng khách đến Hội An luôn tăng rõ rệt. Đêm phố cổ còn giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho cộng đồng người dân tại địa phương thông qua nghề làm lồng đèn, hoa đăng, dịch vụ du thuyền, ẩm thực, tour tham quan phố cổ, chụp ảnh lưu niệm, bán quà lưu niệm…

Đêm phố cổ còn góp phần quảng bá Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến với du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là nền tảng để tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, đối ngoại đặc biệt của địa phương.

Theo UBND TP. Hội An, Đêm phố cổ đã tác động rất lớn đến nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, phát huy, khai thác và tao nên giá trị kinh tế du lịch lớn cho địa phương. Sự thành công của Đêm phố cổ đã góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.

Đây cũng là nền tảng để bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa phi vật thể, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, nếp sống êm đềm của Hội An xưa; phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, của du khách trong thời hiện đại, tạo điều kiện cho cộng đồng cư dân Hội An tăng thu nhập qua các hoạt động du lịch, dịch vụ.

Trong thời gian tới, TP. Hội An sẽ tiếp tục đầu tư ý tưởng, nâng cao chất lượng để Đêm phố cổ ngày càng có ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè du khách gần xa.

Thế Phong (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.