Ngày 23-8, hội thảo "Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam" đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, Bộ Y tế, các quỹ đầu tư và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư vào các dự án y tế công và tư đến từ một số nước như Singapore, Ấn Độ, và các đại biểu hoạt động trong lĩnh vực quản lý bệnh viện, khám chữa bệnh và sản xuất kinh doanh dược.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu chỉ nhìn vào ngân sách thì chỉ có 7-8% tổng GDP được chi cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Điều đó cho thấy mức độ đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Ông Khương nhấn mạnh, kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực cho thấy, khi đất nước phát triển thì y tế, giáo dục được đặc biệt chú trọng. Vì vậy, hội thảo là một kênh hữu hiệu giúp doanh nghiệp tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài, qua đó tranh thủ nguồn vốn, xúc tiến hợp tác sâu rộng để thúc đẩy lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam phát triển ngang tầm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Ông Ravidran Govindan- Chủ tịch tập đoàn Mercatus Singapore, chuyên về tư vấn và đầu tư tài chính quốc tế nhấn mạnh Việt Nam có dân số gần 88 triệu người, trung bình 10.000 người dân mới chỉ có 12 bác sỹ. Đặc biệt, ở những vùng nông thôn thì con số này còn thấp hơn nhiều vì không có bệnh viện và thậm chí các trung tâm chẩn đoán không được trang bị đầy đủ các thiết bị.
Theo ông Govindan, trước đây Việt Nam đã tạp trung vào các lĩnh vực như đầu tư bất động sản, hạ tầng... đã đến lúc cần thay đổi sự đầu tư vào các nhu cầu cơ bản như y tế, giáo dục.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Khoa - Trưởng phòng Quản lý khám chữa bệnh ngoài công lập (Bộ Y tế) cho hay, trên cả nước hiện có 137 bệnh viện tư nhân, trong đó có 6 bệnh viện có vốn đầu tư hoàn toàn từ nước ngoài - đây vẫn là một con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, tại nhiều bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài như Bệnh viện Việt-Pháp, Bệnh viện Vinmec… có cách quản lý rất tốt mà các bệnh viện công lập còn phải học tập về quản lý nhân sự, con người, cơ sở vật chất.
Vì vậy, theo ông Khoa, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế là việc làm cần được xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư của Việt Nam, thực trạng các dự án đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam, những ưu đãi cho các dự án đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực y tế, chính sách quản lý nhà nước về những dự án này.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với các quỹ đầu tư quốc tế để nắm bắt nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư y tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tìm hiểu các mô hình dịch vụ y tế thành công tại các quốc gia đang phát triển.
Theo TTXVN