(GLO)- Để xây dựng được một thương hiệu có uy tín trên thị trường không phải là chuyện dễ dàng, thế nhưng việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hiện vẫn chưa được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh mới có 165 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu; 10 đơn vị đăng ký về kiểu dáng công nghiệp và rất ít cá nhân, tổ chức đăng ký bảo hộ quyền sáng chế/giải pháp hữu ích. Điều đó cho thấy, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Về vấn đề này, ông Trần Đông Lâm-Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ, cho rằng: Việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh hiện nay đa phần tập trung vào đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, vì chưa hiểu rõ ràng, thấu đáo về Luật Sở hữu Trí tuệ cộng với tâm lý e ngại các khoản thủ tục, lệ phí… nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn thờ ơ với việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Phần khác, một số doanh nghiệp còn xem nhẹ vấn đề này vì chưa lường hết những khó khăn, bất cập mà doanh nghiệp mình có thể gặp phải trong quá trình kinh doanh khi không đăng ký quyền sở hữu, cũng như chưa hiểu rõ những quyền lợi mà doanh nghiệp mình sẽ được hưởng khi quyền bảo hộ nhãn hiệu được công nhận.
Cũng theo ông Trần Đông Lâm, tình trạng tranh chấp về nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra phổ biến song cũng không phải là không có. Cách đây không lâu đã xảy ra trường hợp tranh chấp nhãn hiệu sản xuất-kinh doanh cà phê (xin được giấu tên) giữa hai vợ chồng. Khi mới bắt đầu kinh doanh, cơ sở này đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhưng người đứng tên chỉ có mình người vợ, đến khi “cơm không lành, canh không ngọt”, hai vợ chồng tách ra kinh doanh độc lập nhưng vẫn sử dụng chung nhãn hiệu. Cuối cùng, người vợ đâm đơn kiện chồng về tội “ăn cắp” nhãn hiệu… Xét về tình, rõ ràng nhãn hiệu đó là do hai vợ chồng cùng xây dựng nhưng về lý người chồng thua kiện. Từ thực tế trên có thể thấy, nhiều doanh nghiệp thường chờ đến khi sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái trên thị trường thì việc đăng ký quyền bảo hộ mới được thật sự quan tâm. Nhưng “mất bò mới lo làm chuồng” liệu có còn kịp, vì khi đó sẽ chẳng có cơ sở pháp lý nào để cơ quan chức năng bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp.
Không chỉ cá nhân, doanh nghiệp mù mờ, thiếu quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu mà ngay cả địa phương cũng đang bỏ quên và lãng phí chính những đặc sản vùng. Gia Lai là địa phương có lợi thế với nhiều loại nông sản chất lượng cao, như: hồ tiêu Chư Sê, cà phê Gia Lai, mật ong Gia Lai, khoai lang Lệ Cần, thuốc lá Krông Pa… song đến nay việc xây dựng nhãn hiệu tập thể vẫn còn nhiều lúng túng mà nguyên nhân chính phải chăng là vì bị chia sẻ quyền lợi? Có lẽ vì vậy mà đến nay, tỉnh ta mới chỉ có “Hồ tiêu Chư Sê” được công nhận nhãn hiệu tập thể, còn “thuốc lá lá Krông Pa” vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ công nhận. Mặc dù đã có những bài học nhãn tiền về việc để mất thương hiệu chỉ vì chậm đăng ký quyền sở hữu ở một số tỉnh như: Đak Lak, Bình Thuận… song dường như những bài học ấy vẫn chưa tạo được hiệu ứng với các doanh nghiệp tại tỉnh ta.
Thực tế việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường mà còn giúp người tiêu dùng tự tin hơn khi lựa chọn đúng sản phẩm mà không sợ hàng giả, hàng nhái. Để góp phần nâng cao hoạt động tuyên truyền, tư vấn sở hữu trí tuệ về lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp, cá nhân hiểu rõ hơn về các thủ tục cần thiết khi đăng ký quyền sở hữu, Sở Khoa học và Công nghệ đã biên soạn các cuốn sổ tay hướng dẫn về đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích. Bên cạnh đó, Sở cũng đang làm văn bản tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định về việc hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sẽ được hỗ trợ từ 50%-100% lệ phí đăng ký ban đầu.
Anh Huy