Đak Pơ: Vững vàng tuổi lên mười

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây vừa tròn 10 năm, huyện Đak Pơ được thành lập theo Nghị định số 155/2003/NĐ-CP, ngày 9-12-2003 của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ huyện An Khê (cũ) với điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội ban đầu hết sức khó khăn. Trong suốt thời gian ấy, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Đak Pơ đã đoàn kết, quyết tâm xây dựng huyện phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
 

 Trụ sở các cơ quan huyện Đak Pơ. Ảnh: Đông Thùy
Trụ sở các cơ quan huyện Đak Pơ. Ảnh: Đông Thùy

Đak Pơ có tổng diện tích đất tự nhiên là 49.879 ha và 18 dân tộc anh em sinh sống. Từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 tăng 2,6 lần so với năm 2004. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, từ trung tâm huyện đến các xã đều có đường ô tô, hệ thống đường liên thôn, liên xã được đầu tư xây dựng; trạm y tế đến tận xã; lớp học đến tận thôn, làng; điện, nước sinh hoạt đến tận hộ gia đình... tạo sự chuyển biến rõ nét, góp phần hình thành nên diện mạo của một vùng nông thôn đầy khởi sắc.           

Nông nghiệp liên tục phát triển khá theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh như mía, mì, bắp, rau… với tổng giá trị sản xuất năm 2013 đạt 326 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2004. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, các phương tiện, công cụ mới trong sản xuất ngày càng được chú trọng, có nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mới đã được nhân thành diện rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất công nghiệp, thương mại-dịch vụ sớm có bước đi tích cực, công nghiệp-xây dựng phát triển cả về quy mô và loại hình; giá trị sản lượng công nghiệp-xây dựng tăng bình quân hàng năm trên 23%; thương mại-dịch vụ ngày càng mở rộng với 997 cơ sở, tổng mức bán lẻ và kinh doanh dịch vụ hàng năm tăng 16%.

 

Một góc trung tâm huyện Đak Pơ. Ảnh: Đông Thùy
Một góc trung tâm huyện Đak Pơ. Ảnh: Đông Thùy

Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến theo hướng ngày càng nâng cao về chất lượng. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh với 8/8 xã có trung tâm học tập cộng đồng. Đến nay, huyện được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đầu tư, tăng cường với tổng giá trị trên 19,6 tỷ đồng. Công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 16,44%, bình quân mỗi năm giảm 4% hộ nghèo.

Quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được kiện toàn. Công tác tuyển quân hàng năm đạt chỉ tiêu tỉnh giao.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả ba mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí… Số lượng, chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng được nâng lên (từ 613 đảng viên, 15 tổ chức cơ sở đảng tăng lên trên 1.161 đảng viên, 38 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 100% thôn, làng có chi bộ).

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước và địa phương, bên cạnh những thành tích đạt được vẫn còn một số tồn tại. Đó là, phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng chưa thật bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ; giáo dục phát triển chưa đồng đều; giảm nghèo chưa vững chắc, đời sống một bộ phận nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Ảnh: Đông Thùy
Ảnh: Đông Thùy

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và nhu cầu thị trường, hình thành các vùng nguyên liệu, nhất là vùng nguyên liệu cây mía, mì, rau…; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp; quy hoạch, bố trí lại dân cư nông thôn một cách hợp lý, đồng thời thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới theo tiến độ đã đề ra. Ngoài ra, chú trọng khai thác có hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với những ngành, lĩnh vực mà huyện có lợi thế.

Song song với đó, tiếp tục đầu tư trang-thiết bị các cơ sở y tế trên địa bàn, nâng cao chất lượng đội ngũ y-bác sĩ), làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, thể dục thể thao; thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ ở các xã khó khăn; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc…

Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ, cơ bản, liên hoàn, vững chắc. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo giữ vững an ninh-chính trị trên địa bàn huyện; kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các vấn đề phức tạp phát sinh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Tích cực đổi mới nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; duy trì việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Kết hợp công tác dân vận của cấp ủy với công tác dân vận chính quyền theo hướng trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận-đoàn thể; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Từ khó khăn, gian khổ, đói nghèo và lạc hậu, huyện Đak Pơ đã vươn lên và đang quyết tâm sánh vai cùng với các huyện trong tỉnh đồng hành trên con đường xây dựng và phát triển Gia Lai ngày một giàu mạnh. Đó là niềm tự hào, là niềm tin, là động lực, để huyện Đak Pơ tiếp tục vững bước phát triển toàn diện trong tương lai.

Trần Hữu Đức (Bí thư Huyện ủy Đak Pơ)

Có thể bạn quan tâm