Đắk Lắk lập kế hoạch nhập voi cái "ngoại" về để gây giống voi nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trung tâm bảo tồn voi tỉnh này đã có kế hoạch nhập một vài cá thể voi cái ở các nước khu vực Đông Nam Á để duy trì, phát triển cá thể voi nhà ở địa phương.

Một số cá thể voi nhà ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: H.V.M
Một số cá thể voi nhà ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: H.V.M
Ngày 13.12, ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Từ ngày 1.1.2022, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 78/2012/NQ-HĐND ngày 21.12.2012 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết trên nhằm giúp gia tăng cá thể voi nhà ở địa phương và hỗ trợ nhiều hơn cho những chủ voi...".
Theo đó, Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ voi nhà sinh sản là 500.000 đồng/chủ voi cái/ngày và 600.000 đồng/chủ voi đực/ngày trong thời gian 30 ngày voi gặp gỡ, giao phối. Tổng cộng số tiền chủ voi cái nhận được sẽ vào khoảng trên 400 triệu đồng.
Trong thời gian voi mang thai và sinh sản, chủ voi được hỗ trợ 300.000 đồng/ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ, 600.000 đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ sáu sau khi voi sinh con đối với chủ voi cái.
Nài voi chăm sóc voi trong thời gian giao phối, sinh sản, nuôi con được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày, thời gian hỗ trợ 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực.
Ngân sách tỉnh hàng năm bố trí kinh phí để hỗ trợ cho chủ voi là tổ chức, hộ gia đình không còn khả năng chăm sóc tự nguyện giao lại cho Trung tâm bảo tồn voi.
Theo ông Phước, Trung ương và các tổ chức nước ngoài sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho tỉnh bảo tồn và phát triển đàn voi nhà. Cụ thể, trong giai đoạn 2022 - 2025, địa phương dự tính nhập một số con voi cái đang trong độ tuổi sinh sản ở các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar... để về giao phối, gây giống với voi đực tại Đắk Lắk bởi, cá thể voi cái (voi nhà - PV) ở tỉnh hầu như đã qua tuổi sinh sản. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang còn nhiều cá thể voi đực (voi nhà -PV) đang độ tuổi sung sức, nhu cầu quan hệ cao.
"Theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng không để bắt voi cái hoang dã về giao phối với voi nhà được, trừ trường hợp đặc biệt ví như chấn thương nặng buộc phải đem về nuôi. Voi cái trong độ tuổi sinh sản từ 10 đến 20 tuổi. Trong khi voi đực độ ở độ tuổi sung sức này cao hơn nhiều.
Trung tâm đang làm tờ trình gửi Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh để xin nhập 4 voi cái nước ngoài về. Mức giá mỗi cá thể voi đang biến động, chưa xác định được nhưng dự kiến sẽ khá cao. Kế hoạch này từ năm 2022 đến 2025 sẽ chắc chắn triển khai".
Đáng chú ý, Đắk Lắk dùng ngân sách tỉnh cùng với các nguồn tài trợ khác hỗ trợ chủ voi chuyển đổi hình thức du lịch từ cưỡi voi sang hình thức khai thác du lịch thân thiện với voi.
Đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk hiện nay còn 44 cá thể, gồm 19 đực và 25 cái, đều đã được gắn chíp điện tử từ năm 2017. Về voi hoang dã, số lượng cá thể ổn định khoảng 5 đàn, gồm 80 - 100 cá thể.
BẢO TRUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm