(GLO)- Với sự nỗ lực không ngừng của Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa và mạng lưới y tế thôn làng trong công tác tiêm chủng mở rộng, những năm qua, tỷ lệ trẻ mắc bệnh và tử vong trên địa bàn huyện đã giảm hẳn.
Tiêm chủng được xem là hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em một cách chủ động nhằm ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, giúp trẻ tăng sức đề kháng và khả năng chống chọi các loại bệnh tật, phát triển thể chất và trí não khỏe mạnh. Theo Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa, trong năm 2015, tổng số trẻ dưới 1 tuổi của huyện được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não, sởi, lao) là 2.979/3.117 trẻ, đạt gần 96%. Tỷ lệ tiêm chủng cao góp phần giảm số trẻ mắc bệnh và tử vong, đồng thời giảm hẳn chi phí chăm sóc y tế cho trẻ.
Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, việc nâng cao nhận thức cho đối tượng này trong vấn đề tiêm chủng là thách thức không nhỏ đối với ngành Y tế huyện Đak Đoa. Để đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao phải kể đến sự nỗ lực, tận tụy của đội ngũ cán bộ y tế thôn làng. Bác sĩ Vũ Chí Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa, cho biết, trong năm 2013 và 2014, cả nước xảy ra một số trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin. Thông tin trên khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Họ tìm đủ lý do để không đưa con đi tiêm chủng khi đến lịch. Đó cũng là năm tỷ lệ tiêm chủng của huyện chỉ đạt trên 80%. Trước thực trạng trên, ngành Y tế huyện đã tìm mọi biện pháp để trấn an người dân, đồng thời tuyên truyền để họ hiểu đúng về lợi ích của việc tiêm chủng đối với sự phát triển của trẻ.
Quyết tâm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, từng cán bộ y tế thôn làng ở huyện đã theo dõi sát tình hình thực tế, rà soát không để sót trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. “Không chỉ thông báo lịch tiêm chủng, cán bộ y tế còn đến tận nhà, gặp trực tiếp bố mẹ dặn dò ngày giờ đưa con tới trạm y tế. Ngay cả những làng xa xôi, hẻo lánh, cán bộ y tế cũng cố gắng không bỏ sót đối tượng. Nếu làm hết cách mà họ vẫn không đưa con đi tiêm, chúng tôi phải nhờ đến các hội, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động hoặc nhờ chính những người dân có ý thức đầy đủ về vấn đề này đến tuyên truyền”-bác sĩ Hùng nói.
Song song với công tác tuyên truyền, ngành Y tế huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tiêm chủng. Cụ thể, hàng năm, 100% cán bộ y tế được tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, nắm vững quy trình lẫn kinh nghiệm, xử lý kịp thời những tình huống xảy ra sau khi tiêm chủng. Công tác bảo quản vắc xin được thực hiện an toàn tuyệt đối, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật thông suốt từ huyện đến các trạm. Nhờ vậy, những năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra trường hợp trẻ bị tai biến sau khi tiêm. Không chỉ tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế, Trung tâm Y tế huyện còn phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trường học-nơi có tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được bảo vệ rất lớn. Theo bác sĩ Hùng, càng nhiều người biết và ý thức đầy đủ về bệnh truyền nhiễm thì mức độ an toàn ở cộng đồng càng cao.
Những năm qua, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của huyện đạt yêu cầu của Bộ Y tế nhưng đội ngũ làm công tác y tế dự phòng ở huyện Đak Đoa vẫn cảm thấy chưa hài lòng. Bác sĩ Hùng chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện mới có 1.318/3.045 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin. Từ nay đến cuối năm, ngành Y tế huyện sẽ nỗ lực đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, nâng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đạt trên mức yêu cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ đạt yêu cầu so với chỉ tiêu giao thì sẽ còn 5% trẻ (tương đương gần 200 trẻ) chưa tiếp cận được với hoạt động y tế này. Bác sĩ Vũ Chí Hùng cho biết: “Làm công tác y tế dự phòng phải quan tâm đến thực tế chứ không chỉ là chỉ tiêu trên giao. Nếu xảy ra dịch bệnh, gần 200 trẻ sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm, đây là đối tượng chúng tôi phải che chắn, bảo vệ trước nhất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo mọi trẻ em trên địa bàn huyện được tiêm chủng đầy đủ, an toàn”.
Hoàng Ngọc