"Đại thụ" vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Về hưu từ năm 2016 nhưng ngày ngày, ông Rơ Châm Chích (làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) vẫn tích cực đến từng nhà, vận động từng người không nghe lời kẻ xấu, không vượt biên, chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Ông Rơ Châm Chích năm nay 61 tuổi, đã từng trải qua nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Sau khi về hưu, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ làng Beng. Dù đảm nhận chức vụ nào, ông cũng tận tâm, hết lòng vì công việc. Ông tâm sự: “Cả đời mình đã sống gắn bó với nơi này nên hiểu rõ bà con cần gì, muốn gì. Mình tôn trọng ý kiến của bà con, nếu biết lắng nghe và định hướng đúng thì bà con sẽ nghe và làm theo thôi”.
 Ông Rơ Châm Chích (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền pháp luật cho thanh niên trong làng. Ảnh: T.B
Ông Rơ Châm Chích (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền pháp luật cho thanh niên trong làng. Ảnh: T.B
Vì vậy, khi trên địa bàn xã xảy ra các vụ tranh chấp đất đai, xung đột vợ chồng, trộm cắp tài sản, thanh niên đánh nhau…, ông đều đứng ra phân xử một cách thấu đáo, rõ ràng. Mới đây, vì mâu thuẫn, một người làng là anh Puih Lương đã bỏ vợ cùng 4 đứa con ở lại làng Sung Kép (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) để trở về làng Beng sống một mình. Ông biết chuyện nên đã giảng giải cho Puih Lương lời hơn lẽ thiệt, về tình nghĩa vợ chồng, về việc con cái cần có sự chăm sóc của cả bố và mẹ... Sau khi nghe phân tích, anh Puih Lương đã trở về đoàn tụ cùng vợ con ở xã Ia Kla. Ông cũng vừa xử vụ 6 thanh niên trong làng Beng ăn cắp sầu riêng của một hộ dân. Bằng uy tín có được, ông tập trung dân làng lại, phân tích sự việc nên các thanh niên vi phạm đều nhận lỗi và hứa không tái phạm, ngoài ra còn chấp thuận nộp phạt 500 ngàn đồng/người.

Ông Phạm Quốc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Chía: “Bằng kinh nghiệm của mình, ông Rơ Châm Chích đã có cách tuyên truyền, vận động rất hiệu quả nên bà con ai cũng nghe theo. Ông thực sự là người cán bộ gương mẫu, là già làng uy tín chung sức giúp chúng tôi hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

Không chỉ vậy, từ nhiều năm nay, ông còn phối hợp với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Chía tuyên truyền, vận động các hộ gia đình không vượt biên; ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm quy chế về khu vực biên giới, góp phần giữ vững an ninh trật tự. Bản thân ông cũng tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, hàng ngày đi cạo mủ cao su hoặc chăm sóc vườn điều cùng con cháu. Hiện ông đang sở hữu 10 ha điều, 2 ha cao su, 1,5 ha cà phê cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Những hộ nào thiếu vốn, thiếu kỹ thuật chăm sóc cây trồng cũng được ông hỗ trợ giúp đỡ.  Nói về Bí thư chi bộ mẫu mực của làng, anh Rơ Châm Blem-người dân làng Beng-cho biết: “Dân trong làng đều nghe theo lời ông, ai cũng kính nể vì ông nói được làm được. Nhờ thế, bà con cũng gắn bó, đoàn kết với nhau hơn”.
Lo lắng bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc bị mai một khi những bộ cồng chiêng đang mất dần, ông đã tự bỏ tiền túi mua 3 bộ cồng chiêng trị giá hàng trăm triệu đồng cho bà con trong làng cùng sử dụng. Ông còn vận động nhiều thanh niên tham gia tập luyện cồng chiêng, múa xoang. “Những bộ cồng chiêng của làng đang ít dần, một số bộ lại không đồng bộ, đầy đủ. Những năm trước, nhiều người bị kẻ xấu lừa mang cồng chiêng đi bán, mình tiếc lắm. Mình cũng dư dả ít tiền nên mua 3 bộ để bà con cùng tập luyện, giữ gìn bản sắc của làng”-ông Rơ Châm Chích tâm sự.
Nỗ lực trong mọi hoạt động của làng, xã, ông Rơ Châm Chích đã được các cấp, các ngành ghi nhận công lao xứng đáng như: được tặng kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an, kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc” của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh về công tác giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng…
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm