Đà Nẵng: Thêm phố đi bộ Bạch Đằng giữa cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phố đi bộ Bạch Đằng ở TP.Đà Nẵng dài 1,2 km với 27 ki ốt, ô tô bán hàng, 2 sân khấu nghệ thuật, cầu bán nguyệt cùng các hoạt động nghệ thuật đường phố, âm nhạc đường phố, ảo thuật, trò chơi dân gian…

Ngày 24.3, UBND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) công bố phương án tổ chức phố đi bộ Bạch Đằng (đoạn từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý), dự kiến hoạt động từ ngày 27.4.

Phố đi bộ Bạch Đằng được thí điểm hoạt động 5 năm (54 tháng trong giai đoạn 2023 - 2028), trên tuyến đường dài 1,2 km từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý, với không gian rộng khoảng 8 ha.

Các hoạt động bắt đầu từ 15 giờ ngày hôm trước đến 0 giờ ngày hôm sau, riêng từ thứ sáu đến chủ nhật cấm xe hoàn toàn trên đường Bạch Đằng từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý để phục vụ phố đi bộ.

Phương án chiếu sáng dọc vỉa hè phố đi bộ. Ảnh: NGUYỄN TÚ

Phương án chiếu sáng dọc vỉa hè phố đi bộ. Ảnh: NGUYỄN TÚ

UBND Q.Hải Châu đầu tư, nâng cấp tổng cộng 3 nhà vệ sinh tiêu chuẩn 4 sao, 5 điểm check-in, trang trí cảnh quan, chiếu sáng nghệ thuật, camera an ninh, wifi miễn phí…

Theo UBND Q.Hải Châu, nhà đầu tư tự trang bị ô tô bán hàng, container (ki ốt), tham gia đấu giá vị trí đặt, đậu đỗ 12 ki ốt và 15 ô tô bán hàng. Trong đó, xe bán hàng được phép kinh doanh đồ uống có cồn nhưng tự thu gom, xử lý nước thải, không xả ra môi trường.

Ảnh: NGUYỄN TÚ

Ảnh: NGUYỄN TÚ

Ô tô bán hàng được đậu sát vỉa hè trong diện tích 10 x 2,5 m, tự mua sắm bàn ghế theo mẫu, sắp xếp trong khuôn viên 10 x 5,5 m.

Xen kẽ với các ô tô bán hàng là ki ốt kích thước 10 x 4 m (container 20 feet), được tự trang trí theo phương án kinh doanh, đảm bảo mỹ quan và an toàn trong thời tiết mưa bão.

Để đảm bảo công bằng cho hộ kinh doanh, Q.Hải Châu không cho đặt máy bán hàng tự động trong phố đi bộ.

5 điểm check-in. Ảnh: Nguyễn Tú

5 điểm check-in. Ảnh: Nguyễn Tú

Toàn bộ 27 vị trí xe bán hàng và ki ốt đều đấu giá quyền sử dụng từng vị trí trong suốt thời gian 54 tháng (2023 - 2028), giá khởi điểm 127 triệu đồng/ki ốt hoặc 129 triệu đồng/ô tô bán hàng.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn trả phí thuê vỉa hè, lòng đường 6 triệu đồng/tháng/ki ốt, 6,7 triệu đồng/tháng/ô tô bán hàng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đề nghị chấm dứt phương án thí điểm thì tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ và không được bồi thường thiệt hại về cơ sở vật chất, kể cả thiệt hại do thiên tai.

Nhà vệ sinh tiêu chuẩn 4 sao được xây dựng để phục vụ người dân. Ảnh: Nguyễn Tú

Nhà vệ sinh tiêu chuẩn 4 sao được xây dựng để phục vụ người dân. Ảnh: Nguyễn Tú

Nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật

Bên cạnh các dịch vụ, phố đi bộ Bạch Đằng hằng đêm có các sự kiện tại sân khấu đường Bình Minh 6 (nhạc EDM, DJ) hoặc cầu bán nguyệt. Tại Công viên APEC có các hoạt động triển lãm, văn hóa, nghệ thuật tổ chức định kỳ.

Dọc theo phố đi bộ còn có các lễ hội chào năm mới, tết Việt, ẩm thực, khinh khí cầu, vũ điệu ánh sáng; các loại hình nghệ thuật đường phố như ký họa, ảo thuật, biểu diễn khiêu vũ, hip hop, âm nhạc đường phố, các trò chơi dân gian…

Khu vực biểu diễn nghệ thuật đường Bình Minh 6. Ảnh: Nguyễn Tú

Khu vực biểu diễn nghệ thuật đường Bình Minh 6. Ảnh: Nguyễn Tú

Tuy nhiên, tại đây không cho phép hoạt động hát karaoke bằng loa kéo di động.

Đặc biệt, Q.Hải Châu xác định phố đi bộ là một hợp phần trong việc tổ chức trang trí cảnh quan, đường hoa dịp lễ tết, nhằm phục vụ ổn định người dân, du khách đến vui chơi giải trí và không làm gián đoạn kinh doanh.

Toàn cảnh phố đi bộ Bạch Đằng. Ảnh: Nguyễn Tú

Toàn cảnh phố đi bộ Bạch Đằng. Ảnh: Nguyễn Tú

Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cho biết nhiệm vụ trọng tâm của địa phương là phát triển đề án kinh tế đêm, trong đó sông Hàn được xem như "phòng khách" của thành phố. Do đó, Q.Hải Châu xác định mọi hoạt động bên sông Hàn tạo mỹ quan xứng đáng với vị thế quận trung tâm.

Phố đi bộ Bạch Đằng nằm trong phương án thí điểm phát triển kinh tế đêm của TP.Đà Nẵng, kết hợp hoạt động trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông cầu tạo thành quần thể thương mại, dịch vụ.

Có thể bạn quan tâm