(GLO)- Ngày Thế giới chống lao 24-3-2015 với chủ đề “Chính quyền các cấp hãy hành động ngay vì chậm một ngày sẽ có thêm nhiều người chết vì bệnh lao”. Thông điệp này nhấn mạnh tầm quan trọng trong công tác phòng-chống lao khi mà mỗi năm trên thế giới có thêm khoảng 9 triệu người mắc bệnh lao và gần 3 triệu người chết do lao.
Đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bệnh lao đang có nguy cơ gia tăng trở lại và đặt ra nhiều thách thức mới trong công tác phòng-chống lao. Theo thống kê, trung bình mỗi năm nước ta có thêm 200 ngàn người mắc bệnh lao và gần 30 ngàn bệnh nhân lao tử vong. Trong khi đó, bệnh lao không phải là bệnh nan y mà có thể chữa khỏi chỉ sau một thời gian điều trị. Minh chứng là, Chương trình chống lao quốc gia phát hiện khoảng 100 ngàn bệnh nhân lao mỗi năm thì có tới 92% trong số đó chữa khỏi bệnh. Vì vậy, nhận thức đúng và chủ động đề phòng bệnh lao, tìm đến các cơ sở y tế để được phát hiện sớm và điều trị thích hợp là một trong những vấn đề quan trọng trong công tác phòng-chống lao.
Chăm sóc bệnh nhân lao. Ảnh: N.N |
Tại Gia Lai, trong các năm qua, công tác phòng-chống lao tuy còn nhiều khó khăn những vẫn đạt được một số kết quả nhất định. Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai, trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh phát hiện khoảng 650 đến 700 bệnh nhân lao mới, tỷ lệ điều trị khỏi hàng năm trên 85%. Riêng trong năm 2014, tổng số bệnh nhân phát hiện là 770 người; trong đó, 375 dương tính mới, 40 dương tính điều trị lại, âm tính và ngoài phổi 355. 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã phát hiện thêm 188 bệnh nhân trong đó 96 dương tính mới, 11 dương tính điều trị lại, 81 âm tính và ngoài phổi. Riêng về vấn đề lao kháng thuốc tại địa bàn tỉnh, do chưa đủ điều kiện để triển khai hoạt động nên chưa có cơ sở để đánh giá tình hình.
Việc phát hiện bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu bằng hình thức thụ động do tuyến xã gửi bệnh nhân nghi lao lên Trung tâm Y tế huyện xét nghiệm, phát hiện vì không có kinh phí khám, điều tra, phát hiện bệnh lao trực tiếp tại cộng đồng. Tỷ lệ người có triệu chứng nghi lao, đến cơ sở y tế rất ít; phần lớn bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn nặng hoặc phát hiện tình cờ qua các bệnh lý nội khoa khác. Chính vì vậy việc duy trì hoạt động khám, phát hiện bệnh lao trực tiếp trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai là rất cần thiết.
Ảnh: N.N |
Theo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai, khó khăn trong công tác phòng-chống lao tại tỉnh hiện nay chính là chưa có sự quan tâm đúng mức của các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng- chống lao; hiểu biết về bệnh lao trong cộng đồng chưa cao; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe bệnh lao trong cộng đồng chỉ dừng lại trên các phương tiện thông tin đại chúng; trình độ cán bộ chống lao tuyến huyện, xã không đồng đều và thường xuyên thay đổi; chưa chủ động được kinh phí trong công tác phòng-chống lao, chủ yếu còn phụ thuộc vào kinh phí trung ương đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng-chống lao trên địa bàn.
Bác sĩ Nguyễn Đại-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai cho biết: Chiến lược quốc gia phòng-chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17-3-2014. Để thực hiện thành công chiến lược, đề nghị địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí cho công tác truyền thông. Việc tăng cường truyền thông một cách sâu rộng, bằng nhiều hình thức và có hiệu quả sẽ giúp người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa hiểu biết về bệnh lao, từ đó chủ động trong công tác phòng-chống bệnh; kịp thời đến các cơ sở y tế để khám phát hiện sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc lao. Muốn phòng-chống bệnh lao hiệu quả đòi hỏi phải có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác này.
Theo bác sĩ Đại, người bị lao có thể có một số hoặc tất cả các triệu chứng sau đây: Cảm thấy mệt mỏi triền miên, ăn không ngon miệng, giảm cân vô cớ, ho kéo dài hơn ba tuần, sốt, ra mồ hôi về đêm. Đôi khi người bị lao có thể ho ra đờm vấy máu... Giải pháp phòng bệnh lao tốt nhất vẫn là phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ để chữa khỏi bệnh lao, tránh lây lan cho cộng đồng và phòng nguy cơ kháng thuốc.
Như Nguyện