Cốm Hà Nội và nỗi lòng người xa xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ba mươi năm định cư ở Czech nhưng chị tôi luôn đau đáu trong lòng nỗi nhớ quê hương, nơi có gia đình chị cùng rất nhiều người thân, bạn bè sinh sống.

Thu Hà Nội trong bát chè cốm. ẢNH LÊ HÀ
Thu Hà Nội trong bát chè cốm. ẢNH LÊ HÀ
Đều đặn mỗi năm một lần chị lại dành dụm rồi tranh thủ về thăm quê nhưng hai năm nay dịch dã hoành hành chị không thể.
Mỗi lần chúng tôi nói chuyện, chị hỏi thăm gia đình, bạn bè rồi chị hỏi Hà Nội có thay đổi không, dịch bệnh có ảnh hưởng nhiều không? Nhiều khi câu chuyện là những ký ức một thời, là những kỷ niệm và cả những món ngon Hà Nội mà có dịp chị vẫn thể hiện tay nghề cho cả gia đình thưởng thức để vơi bớt nỗi nhớ quê.
Chị bảo chị nhớ mùa thu Hà Nội, mùa đặc biệt nhất trong năm. Nhớ hương hoa sữa nồng nàn từng góc phố, nhớ những thảm lá vàng bay trên phố Phan Đình Phùng, nhớ chiều Hồ Tây lộng gió với hương sen còn sót lại đâu đây và đặc biệt nhớ cốm Hà Nội.
Nhớ những ngày xưa mẹ đi chợ, quà về cho con là gói cốm làng Vòng chị chẳng thể quên. Thứ cốm dẻo thơm được gói trong lá sen phảng phất hương thơm thoát tục. Những hạt cốm màu xanh ngọc, hơi dẹt, dẻo thơm hương trời, khí đất, chẳng dám ăn nhiều vì sợ hết, chỉ nhón một nhúm rồi bỏ vào miệng, nhẩn nha nhai để thưởng thức. Ôi chao là nhớ!
Khi chị trả phép, quà mang theo nhất định phải là cốm. Những gói cốm được hút chân không về cất tủ lạnh sẽ ăn được rất lâu. Tuy không thể nhẩn nha ăn cốm tươi như ngày xưa nhưng mỗi lần nhớ cốm, thèm cốm chị lại mang cốm ra, khi thì làm chả, lúc lại nấu chè. Cả nhà quây quần ngồi thưởng thức bát chè cốm ngọt thơm cảm giác như đang được sống giữa quê nhà.
Chính chị là người dạy tôi nấu chè cốm. Chè cốm không thể thiếu bột sắn dây, nước cốt dừa, dừa nạo, đường phèn hay đường thốt nốt, có khi thêm chút vừng để nhiều hương vị. Có người cho thêm đỗ xanh nhưng chị tôi muốn giữ hương vị cốm nên không dùng.
Nấu chè cốm không khó nhưng để có bát chè ngon không dễ dàng. Nấu sao cho khéo, bột sắn dây không quá đặc, không quá loãng, hạt cốm không nát, ăn vào vẫn thấy độ dẻo thơm. Một thìa chè đưa vào miệng sẽ thấy đủ vị ngọt thanh của đường và bột sắn, dẻo thơm của cốm, beo béo nước cốt dừa.
Mỗi lần nấu chè cốm chị lại gọi tôi, chị cho tôi xem thành quả chị nấu rồi nói vui: “Thu Hà Nội đang trong nhà chị đấy”. Cả không gian ngập tràn hương thơm thoang thoảng của cốm, chị tôi hít hà rồi nhắm mắt tưởng tượng. Hà Nội và thu như đang trước mặt chị.
Cốm Hà Nội không chỉ đặc biệt với chính người Hà Nội, với những du khách từng ghé chân nơi đây mà nó còn đặc biệt cả với những người xa xứ.
Món quà dân dã ấy rất đỗi thân quen và gợi nhớ bao điều thầm kín.
Theo Lê Hà (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Chọn ở homestay nghỉ ngơi thư thái, tránh xa những điểm du lịch, khách sạn đông đúc, ồn ào và trải nghiệm khám phá thiên nhiên, đời sống người dân địa phương là lựa chọn của nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.
Một lần đến thác 50

Một lần đến thác 50

(GLO)- Đã từng có dịp đến tham quan nhiều ngọn thác trong và ngoài nước nhưng chưa ngọn thác nào để lại cho tôi cảm giác vừa hồi hộp lo lắng lại vừa phấn khích như thác 50 (Hang Én) trong chuyến đi vào trung tuần tháng 4 năm nay.