Chuyện làm giàu của một cựu cán bộ Đoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với niềm đam mê kinh doanh, anh Đỗ Minh Tiến-từng là Bí thư Đoàn Thanh niên, hiện là Giám đốc Xí nghiệp Phân bón và Cây giống thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-đã thử nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế. Nếm trải không ít thất bại, song hiện anh đang rất thành công nhờ mô hình trồng chanh dây. Hiện anh Tiến là người sở hữu diện tích chanh dây lớn nhất tỉnh với 18 ha, mỗi ngày thu về hơn 100 triệu đồng.

Làm đâu, thất bại đó

Đỗ Minh Tiến sinh năm 1979, lớn lên ở mảnh đất Chư Prông anh hùng, có bố mẹ là những người thuộc thế hệ đầu tiên vào làm công nhân ở Công ty Cao su Chư Prông. Tiếp nối truyền thống gia đình, sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế Nông lâm (Trường Đại học Tây Nguyên) năm 2001, anh được Công ty nhận vào làm. Với năng khiếu thể thao và đam mê công tác Đoàn, Tiến được giao nhiệm vụ làm chuyên trách công tác Đoàn Công ty. Đến năm 2005, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn. Năm 2012, anh được Công ty điều về làm Giám đốc Xí nghiệp Phân bón và Cây giống.

 
 Anh Đỗ Minh Tiến chăm sóc vườn chanh dây. Ảnh: H.Đ.T
Anh Đỗ Minh Tiến chăm sóc vườn chanh dây. Ảnh: H.Đ.T

Mặc dù bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng với niềm đam mê kinh doanh nên anh Tiến đã tìm hiểu và tự chọn cho mình con đường khởi nghiệp riêng. Năm 2007, anh dành dụm được ít vốn và vay mượn thêm gia đình, bạn bè đầu tư xây chuồng trại nuôi gà. Đã có lúc đàn gà của anh lên đến 2.000 con. Nhưng sau 5 năm, thấy nhiều người cùng nuôi và thị trường bắt đầu khó tiêu thụ, anh tạm dừng nuôi gà và chuyển sang hướng kinh doanh khác. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi, anh tiếp tục khởi nghiệp bằng việc đầu tư mua dàn âm thanh và các nhạc cụ, xe cộ để phục vụ các đám cưới tại nhà và tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, do công việc chuyên môn bận rộn, kinh doanh lại không hiệu quả nên anh lại quyết định… chuyển hướng kinh doanh.

Lúc bấy giờ, Công ty có một nhà đa chức năng sắp hết hạn cho thuê, anh quyết định thuê lại để kinh doanh nhà hàng ăn uống, phục vụ đám cưới, hội nghị. Sau đó, anh dốc toàn bộ tiền tích lũy từ những năm trước, kể cả tiền bán nhà, vay mượn thêm để đầu tư gần 2 tỷ đồng cải tạo lại địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã thất bại vì lượng khách ít, chi phí nhiều, vả lại tiền đầu tư vào quá lớn, khó thu hồi lại vốn!

Vượt lên chính mình

Vậy nhưng anh Tiến vẫn… chưa nản. Năm 2015, khi giá mủ cao su xuống thấp, vườn cao su của Công ty tái canh nhiều nên Công ty có chủ trương cho trồng xen canh các loại cây trên diện tích cao su mới trồng. Anh suy nghĩ và quyết định một mình một xe đi qua các tỉnh dọc miền Trung lên tận Tây Bắc để tìm hiểu những loại cây trồng xen phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao. Sau chuyến đi anh nhận thấy việc đầu tư trồng chanh dây là hiệu quả nhất vì chí phí không cao, nhanh thu hồi vốn và phù hợp với thổ nhưỡng. Thế là anh quyết định trồng thử nghiệm 1 ha chanh dây. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc nên vườn chanh dây của anh phát triển tốt, chỉ sau 6 tháng đã cho thu hoạch, giúp anh nhanh chóng lấy lại vốn.

Từ bước đệm này, anh Tiến quyết định thuê lại 18 ha cao su tái canh của Công ty để phát triển chanh dây. Anh xuống tận Phú Yên chọn tìm mua những cây tre già, thẳng về làm giàn cho chanh dây leo; trên diện tích toàn bộ 18 ha chanh dây anh thiết kế hệ thống tưới nước nhỏ giọt được điều khiển từ xa bằng điện thoại. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và nghiên cứu qua sách báo, mạng internet nên vườn chanh dây của anh lúc nào cũng tươi tốt và trĩu quả. Hiện nay trong số 18 ha chanh dây của anh thì 13 ha đã cho thu hoạch, mỗi ngày anh thu khoảng 6 tấn quả. Với giá thành hiện nay (22 ngàn đồng/kg) thì mỗi ngày anh thu về hơn 100 triệu đồng-một con số đáng mơ ước đối với những người khởi nghiệp.

Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, anh Tiến thường xuyên lên mạng tìm hiểu và tham gia diễn đàn về tiêu thụ chanh dây, nhờ vậy mà hiện nay nguồn cung không đủ cầu. Hàng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước châu Âu. Đặc biệt, trang trại chanh dây của anh đang giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 40 đến 50 lao động địa phương. Tiếng lành đồn xa, trang trại trở thành nơi thường xuyên tiếp đón các đoàn đến tham quan và học tập kinh nghiệm.

Nhận thấy lợi ích của việc trồng chanh dây, hiện anh Tiến đang mạnh dạn thuê tiếp 30 ha cao su tái canh để trồng loại cây này, dự kiến tháng 6 năm nay sẽ xuống giống. Với niềm đam mê kinh doanh và nhiệt huyết, và nếu “thiên thời địa lợi, nhân hòa” thì danh hiệu “tỷ phú chanh dây” sẽ không còn xa đối với người cựu cán bộ Đoàn này.

Kinh nghiệm khởi nghiệp của ĐỖ MINH TIẾN:

- Muốn khởi nghiệp thành công trước hết phải có sự đam mê.

- Không nản chí trước khó khăn, thậm chí là thất bại.

- Nếu khởi nghiệp không thành công ở lĩnh vực này thì nên mạnh dạn tìm lĩnh vực khác.
 

 Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm