Cũng như nhiều hộ trong buôn Sô Ma Rơn (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện), thu nhập chính của gia đình ông Phạm Văn Ba phụ thuộc vào 2,7 ha mía. Những năm trước, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Năm nay, mía được mùa, được giá, ông Ba khấp khởi chuẩn bị thu hoạch. Nhưng rồi mía bị cháy, ông bất lực đứng nhìn của cải bay theo khói tàn.
Cuối năm 2021, ông Nguyễn Duy Vân (thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro) vay 470 triệu đồng đầu tư trồng 10 ha mía. Sau hơn 1 năm chăm sóc, cây mía phát triển tốt, năng suất ước đạt 100 tấn/ha. Ông Vân nhẩm tính, với giá mía 1,05 triệu đồng/tấn 10 chữ đường (cao hơn năm ngoái 100 ngàn đồng/tấn) thì ông thu về khoảng 750 triệu đồng. Nhưng chưa kịp thu hoạch thì tối 29-1, ngọn lửa đã cuốn đi bao công sức, vốn đầu tư của gia đình.
“Nghe bà con báo mía bị cháy, tôi vội chạy ra ruộng, nhưng gió thốc ngọn lửa cháy bừng bừng, chỉ biết đứng nhìn mà không làm gì được. Chỉ sau 1 đêm, ruộng mía mênh mông đến kỳ thu hoạch đã bị cháy đen, trơ trụi. Tôi lập tức báo tin và Nhà máy Đường An Khê kịp thời đến thu mua. Mía cháy bị trừ tạp chất 5% cùng các loại chi phí đội lên nên gia đình chỉ thu được gần 400 triệu đồng. Giờ không lãi đồng nào còn mang nợ. Tôi mong chính quyền địa phương vào cuộc điều tra để tìm ra thủ phạm gây cháy, đồng thời hỗ trợ gia đình để có kinh phí tái đầu tư”-ông Vân nghẹn ngào.
Tương tự, gia đình ông Phù Chí Linh (tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cũng bị cháy 2,5 ha mía tơ trồng ở xã Phú An, huyện Đak Pơ. Theo ông Linh, ai đó đã đốt lá mía làm cháy lan ra những diện tích mía chưa thu hoạch. “Bình thường sau khi thu hoạch mía, chúng tôi để 5-7 ngày mới đốt lá, vệ sinh đồng ruộng. Làm như thế để gốc mía có thời gian nghỉ, lấy lại sức. Sau khi đốt xong, cây nảy mầm rất nhanh. Còn khi mía bị cháy đột ngột sẽ gây sốc, làm tổn thương gốc dẫn đến thối rễ, khóm mía chết phải trồng dặm. Do đó, mía bị cháy không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng tới vụ sau”-ông Linh cho hay.
Tính đến ngày 17-2, trên địa bàn huyện Đak Pơ xảy ra 5 vụ cháy mía với diện tích 11,5 ha của 14 hộ dân ở xã Phú An và thị trấn Đak Pơ. Mía bị cháy làm giảm thu nhập 5-10 triệu đồng/ha so với bình thường, càng chậm thu mua thì thiệt hại càng lớn do giảm chữ đường, trọng lượng.
Đến nay, người dân huyện Kông Chro đã thu hoạch được gần 60% diện tích mía. Trong khi đó, thời tiết trên địa bàn huyện đang cao điểm nắng nóng, hanh khô, rất dễ xảy ra cháy mía. Ông Trần Văn Đấu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: “Song song với vận động người dân nâng cao ý thức phòng-chống cháy mía, Phòng phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát và đề nghị Nhà máy Đường An Khê đẩy nhanh tiến độ thu mua mía theo hợp đồng đã ký kết đầu tư; thực hiện phương thức thu mua, đảm bảo trật tự, an toàn cho vùng nguyên liệu nhằm hạn chế rủi ro cháy mía vào cao điểm mùa khô”.
Còn ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì cho hay: “Đến giữa tháng 2, bà con nông dân đã thu hoạch được 1.277 ha/2.734 ha mía, đạt 46,7%. Từ nay tới cuối vụ, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, động viên người dân căn cứ vào kế hoạch đốn của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai chia sẻ với những người có mía cháy để được đốn trước”.
Tại huyện Kbang, nhằm hạn chế rủi ro, chính quyền địa phương khuyến cáo bà con thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy mía để xử lý kịp thời. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Sơn nêu biện pháp: “Khi đốt lá mía, người dân phải làm sạch đường băng cản lửa, thông tin cho hộ có diện tích mía liền kề nắm được để cùng phối hợp; có biện pháp phòng-chống cháy lan; chủ động chuẩn bị dụng cụ, phương tiện sẵn sàng chữa cháy. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn củng cố đội xung kích phòng-chống thiên tai, chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất”.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu vụ thu hoạch đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra gần 100 vụ cháy mía. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân chủ yếu do một số người dân thiếu cẩn thận trong việc đốt, vệ sinh ruộng rẫy sau thu hoạch dẫn đến cháy lan sang các ruộng mía chưa thu hoạch. Một số vụ cháy mía khác hiện các địa phương chưa nắm rõ nguyên nhân.
Cũng theo ông Nghĩa, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền; điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy mía, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình phá hoại. Đồng thời, chủ động trong công tác chữa cháy khi xảy ra cháy mía, không để lây lan ra diện rộng.