Ngày này năm 2017, người dân cả nước mong chờ một phép màu khi hai người lính biên phòng bị lũ cuốn trôi trên đường hỗ trợ dân chống lũ. Còn bây giờ, còn hôm nay là tướng Nguyễn Văn Man, là những người lính đang mất liên lạc ở Rào Trăng.
Ngày này năm 2017, cả nước mong chờ một phép màu khi tấm áo lính của thượng tá Cao Đăng Cường được tìm thấy. Và năm nay... Ảnh LĐO. |
Mọi nguồn lực, mọi phương tiện, kể cả trực thăng cứu hộ đang được tập trung cho việc cứu nạn các công nhân ở thuỷ điện Rào Trăng 3, và cả 13 người trong đoàn cứu hộ đã bị mất liên lạc, trong đó có Phó Tư lệnh Quân khu 4, thiếu tướng Nguyễn Văn Man.
Nhà báo Dương Phong cho biết tướng Nguyễn Văn Man từng là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình.
Khi còn ở Quảng Bình, trong các mùa mưa bão, ông luôn là người xông xáo, đi đầu đưa bộ đội xuống giúp dân chạy lũ khắp sông Gianh, khắp vùng trũng các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Vô số lần, người dân được cứu bởi tướng Man và những người lính của ông giữa đỉnh lũ, ngay trong đêm.
Lần này cũng thế, khi nhận tin Rào Trăng 3, tướng Man lại cùng với những người lính của mình lao đi cứu dân. Không một phút chậm trễ.
Từ hôm qua, khắp mạng xã hội là những lời cầu mong về một phép màu cho tướng Man và 12 người lính của ông, cho những công nhân Rào Trăng đang mất liên lạc.
Trong thời chiến cũng như thời bình, nơi đầu sóng ngọn gió hoá ra bao giờ cũng là những người lính.
Nhớ lại 2 năm trước, khi tấm áo lính và những mảnh vỡ xe ôtô của thượng tá Cao Đăng Cường và đại uý Nguyễn Thành Chủng, Đồn biên phòng Yên Khương được tìm thấy vào ngày 12.10.2017, rất nhiều người dân vẫn thầm mong một phép màu, một điều kỳ diệu.
Năm ấy, xe của 2 người lính gặp lũ trên đường giúp dân. Năm ấy, những câu thơ Phong Lan khiến chúng ta lay động:
Đồng đội ơi đêm nay ngủ ở đâu?
Sương xuống rồi lòng sông sâu lạnh lắm
Mưa đã tạnh mà núi rừng thăm thẳm
Hai phần cơm đồn phần đợi các anh…
Năm ấy, rất nhiều nước mắt đã rơi
Nhưng rồi năm nay, vẫn mưa lũ, vẫn là sự hy sinh của những người lính.
Nhưng rồi năm nay, số người thiệt mạng vì mưa lũ lớn quá, nhiều nước mắt, nhiều nỗi đau quá.
Để người chết không chỉ là những con số, có lẽ, phải đặt ra và trả lời câu hỏi tại sao mưa lũ ngày thêm khốc liệt.
Nhớ vào năm đứng trước sự đánh đổi 200ha rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền để làm 3 thuỷ điện Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, không phải là không có những lo ngại về những tác động khủng khiếp đến hệ sinh thái, đến môi trường, đến sự an toàn tự nhiên.
Nhưng rồi thì đấy. Thuỷ điện vẫn làm. Và nhiều thuỷ điện khác vẫn xả, để lũ chồng lên lũ.
Không có ai, không có cách gì chia vợi nỗi đau của những người phút chốc chia lìa vĩnh viễn những người thân thuộc nhất. Và thật bất lực thay, việc cầu mong một phép màu, đầy nhân ái, nhưng chưa bao giờ là một biện pháp cả.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cho-mot-phep-mau-rao-trang-3-844846.ldo
Theo ANH ĐÀO (LĐO)