Quảng Trị gắn bảo tồn với phát triển du lịch biển đảo Cồn Cỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiềm năng du lịch của đảo Cồn Cỏ đã và đang được khai thác. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại đảo Cồn Cỏ cũng được chú trọng nhằm phát triển bền vững.
 Cột cờ Tổ quốc cao 38,8 mét trên đảo Cồn Cỏ mới được khánh thành tháng 7-2017. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Cột cờ Tổ quốc cao 38,8 mét trên đảo Cồn Cỏ mới được khánh thành tháng 7-2017. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị là một trong những khu bảo tồn biển có đa dạng sinh học cao, được thành lập vào tháng 10/2009. Khu bảo tồn này nằm ở cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ, có diện tích trên 4.530ha, gồm 3 phân khu: Bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và phát triển. 
Khu bảo tồn này được đánh giá là một trong những vùng biển có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới. Theo đó, Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có 224 loài cá; 113 loài san hô, trong đó có loài san hô đỏ quý hiếm, phân bố với mật độ dày đặc, màu sắc đẹp; 57 loài rong biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài động vật phù du và nhiều loài quý hiếm khác, nhất là rùa biển. 
Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ còn là nơi tập trung các bãi đẻ của nhiều loài có giá trị kinh tế cao và đặc hữu của vùng biển Trung Bộ Việt Nam.
Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã tập trung bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển đảo Cồn Cỏ. Theo đó, tỉnh đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi thủy sản như điều tra đánh giá nguồn lợi và đa dạng sinh học Cồn Cỏ; nghiên cứu hệ sinh thái biển đảo Cồn Cỏ; ứng dụng đa dạng sinh học khoa học kỹ thuật nuôi cấy san hô…; đồng thời phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế triển khai chương trình bảo tồn, cứu hộ rùa biển nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt, mua bán rùa biển, cứu hộ kịp thời rùa biển và tăng cường nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn rùa biển. 
Một góc đảo Cồn Cỏ. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Một góc đảo Cồn Cỏ. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Chỉ trong tháng 5-2018, các đơn vị đã vận động người dân thả về biển 7 cá thể rùa biển có tên trong "Sách Đỏ" Việt Nam; tiến hành thu thập, phân loại và xây dựng tủ mẫu vật trưng bày các loài động thực vật biển quý hiếm và đặc trưng của vùng biển đảo Cồn Cỏ.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số chủ tàu đánh bắt hải sản trái phép trong vùng cấm hoặc sử dụng mìn, điện để đánh bắt hải sản, neo đậu tàu thuyền không đúng nơi quy định, làm gãy các rạn san hô trong Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, trong tháng 5/2018, lực lượng chức năng đã tuần tra và phát hiện 3 tàu làm nghề lặn trong Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Lực lượng chức năng đã tịch thu các vòi lặn và xử lý các tàu vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng trị cũng tiến hành lắp đặt hoàn thiện hệ thống phao đánh dấu phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt, tạo thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên ở Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã lắp đặt lại 27 ụ neo và phao phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt trong khu bảo tồn để phân định, chỉ giới hướng dẫn cho tàu thuyền không được khai thác thuỷ sản, cũng như neo đậu tàu thuyền trong khu vực này tránh làm hư hại san hô; đồng thời lắp đặt thêm 4 phao neo ở những điểm có thảm san hô đẹp nhằm phục vụ tàu du lịch, phục vụ du khách khi có nhu cầu tắm biển và ngắm san hô.
Tỉnh Quảng Trị đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch ở vùng biển đảo Cồn Cỏ. Tỉnh đã triển khai đề án mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ từ tháng 4/2017. Cuối tháng 1/2018, Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ đã ký hợp đồng đóng mới tàu vận chuyển hành khách từ Cửa Việt ra Cồn Cỏ với lượng chuyên chở 80 người/chuyến, tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng. Tàu này có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng cấp 5. Dự kiến con tàu hoàn thành và được đưa vào sử dụng vào tháng 8/2018. Huyện đảo Cồn Cỏ phấn đấu đến năm 2020 mở được từ 3-4 tour du lịch chất lượng cao và có từ 2-3 tàu cao tốc hoạt động, phục vụ du khách đến đảo.
Từ tháng 8/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã tiếp nhận toàn bộ cơ sở hạ tầng điện trên đảo Cồn Cỏ để cung cấp nguồn điện lưới quốc gia thay cho nguồn điện diesel, nâng cấp hệ thống cung cấp điện có giới hạn sang liên tục 24/24 giờ; qua đó tạo động lực cho huyện đảo Cồn Cỏ phát triển, nhất là về du lịch.
Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ Lê Minh Tuấn cho biết, từ khi có điện 24/24 giờ, người dân trên đảo tích cực đầu tư nâng cấp dịch vụ phục vụ du lịch. Đặc biệt, sau khi có điện lưới quốc gia đã có nhà đầu tư xin chủ trương Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị và được đồng ý cho lập dự án đầu tư khu du lịch tại Cồn Cỏ với mức đầu tư trên 1.400 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở Cồn Cỏ để phục vụ khách du lịch trên tuyến đầu cầu Hành lang kinh tế Đông-Tây đồng thời tỉnh đầu tư đóng mới đội tàu du lịch để kết nối đất liền với Cồn Cỏ, chú trọng phát triển các loại hình du lịch như lặn biển ngắm san hô, tham quan khu rừng đặc dụng và các loài sinh vật cảnh đặc trưng. Đảo Cồn Cỏ cũng được kết nối với Cửa Việt và Cửa Tùng để tạo thành "tam giác" du lịch biển, qua đó đưa du lịch thành ngành mũi nhọn của địa phương...
Nguyên Lý (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

(GLO)-

Giữa núi rừng hùng vĩ tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có một bãi tắm được ví như “biển trên núi”. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, bãi tắm ở dòng sông Pô Cô đã thu hút hàng ngàn lượt người đến vui chơi, thưởng ngoạn.

Du lịch xanh “lên ngôi”

E-magazineDu lịch xanh “lên ngôi”

(GLO)- Gia Lai có các tuyến giao thông đường bộ thuận lợi, những điểm cắm trại lý tưởng trong rừng, thác nước, nhất là các địa điểm du lịch đều gắn với thiên nhiên. 
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.