Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai: Vì mục tiêu an sinh xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 15 năm hoạt động (2002-2017), mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội nhận vốn ủy thác, cùng với sự nỗ lực vươn lên của tập thể cán bộ, công nhân viên, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngân hàng đặc thù

Là một tổ chức tín dụng Nhà nước hoạt động với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không vì mục đích lợi nhuận, Ngân hàng CSXH tỉnh đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Đó là mô hình phối hợp giữa hệ thống quản lý nhà nước là Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH các cấp thực hiện chức năng chỉ đạo, giám sát việc triển khai tín dụng chính sách, với bộ máy quản trị gồm các cán bộ chủ chốt của các cơ quan chính quyền, đoàn thể hoạt động theo phương thức kiêm nhiệm, phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cho các tổ chức chính trị-xã hội.

 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Từ lúc ra đời chỉ có 9 cán bộ từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chuyển sang công tác tại Hội sở tỉnh, đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã có bộ máy gồm Hội sở tỉnh và 16 Phòng Giao dịch huyện, thị xã với 222 điểm giao dịch cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. Với mô hình đặc thù, trong hoạt động cho vay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác lồng ghép với hoạt động hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ. Thông qua phương thức ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị-xã hội đã tạo nên một kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân.

Chất lượng ủy thác ngày một nâng cao, qua đó ngăn chặn được thất thoát vốn, tiết kiệm được chi phí quản lý, đảm bảo thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở. Hiện Ngân hàng CSXH tỉnh đã xây dựng được hệ thống điểm giao dịch cố định tại 100% xã, phường, thị trấn. Đây được xem là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và đặc thù riêng có của Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện để vốn tín dụng đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác; từ đó hạn chế các tiêu cực phát sinh. Qua hoạt động cho thấy, các điểm giao dịch xã và mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn ở cơ sở đã và đang là hướng đi tiện ích nhất, giúp việc chuyển tải nguồn vốn chính sách đến nhanh, đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhất là ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho vay, điều hành nguồn vốn linh hoạt. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội các cấp tăng cường công tác tuyên truyền huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn, cung cấp dịch vụ huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã để phục vụ tốt nhu cầu gửi tiền của người dân trên địa bàn. Tổng nguồn vốn đến 30-6-2017 đạt 3.743 tỷ đồng, tăng gần 43 lần so với năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm là 30,63%.

Vì mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

Qua 15 năm hoạt động, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và cho vay giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước, đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai 13 chương trình tín dụng với doanh số cho vay gần 8.200 tỷ đồng, doanh số thu nợ hơn 4.624 tỷ đồng. Hiện dư nợ của Chi nhánh đã đạt 3.730 tỷ đồng với trên 141.000 hộ vay. Quy mô tăng trưởng vốn vay gấp hơn 43  lần so với cuối năm 2002, bình quân mỗi năm tăng 30,78%. Riêng 3 chương trình có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 59% tổng dư nợ, đã lấp đầy “khoảng trống” chính sách đảm bảo cho hộ nghèo giảm nghèo bền vững. Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,15%/tổng dư nợ, giảm 9,45% so thời điểm nhận bàn giao. Nhằm duy trì và giữ vững ổn định chất lượng tín dụng, Chi nhánh đã triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, nâng cao tỷ lệ thu nợ đến hạn để cho vay quay vòng.

Tùy vào mục đích cho vay của các chương trình mà hiệu quả mang lại khác nhau, song đánh giá chung có thể thấy, vốn vay của Ngân hàng CSXH  đã hỗ trợ người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,73% còn 11,36%; năm 2016 giảm từ 19,71% xuống còn 16,55%.

 

Tổng dư nợ đến 30-6-2017 đạt 3.730 tỷ đồng, tăng hơn 43 lần so với thời điểm mới thành lập, tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm 30,78%. Hiện có 141.272 khách hàng dư nợ thông qua 3.586 tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân 39 hộ/tổ. Từ nguồn vốn cho vay đã giúp 131.921 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết tạo việc làm cho 23.655 lao động; giúp trên 57.337 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi phí học tập; giải quyết cho 794 đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; giúp trên 10.558 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở; xây dựng được 106.116 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 74.897 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhất định, song có thể nói, qua 15 năm hoạt động, các chương trình tín dụng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động sức mạnh của cả xã hội trong việc chung tay giảm nghèo. Rõ nét nhất là đã tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn do cộng đồng dân cư thành lập, tạo thành mô hình quản lý kênh tín dụng chính sách có hiệu quả và bền vững; qua đó việc lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm với hoạt động tín dụng đảm bảo mang lại hiệu quả. Kết quả của quá trình hoạt động là hết sức to lớn, toàn diện, khẳng định chủ trương thành lập Ngân hàng CSXH để thực hiện kênh tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một đòi hỏi khách quan và phù hợp với thực tế địa phương.

Việc ra đời Ngân hàng CSXH đã tạo cơ hội cho đối tượng vay vốn được tiếp cận với dịch vụ tín dụng Nhà nước, đồng thời khẳng định chủ trương tập trung các nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối, tách bạch tín dụng ưu đãi ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại là phù hợp với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Không những vậy, Ngân hàng CSXH ra đời đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là công cụ thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và là một trong những đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; góp phần ổn định kinh tế-xã hội, thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Thành tích ngân hàng csxh tỉnh đạt được trong giai đoạn (2002-2017):

-Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba cho tập thể Chi nhánh.
- Thủ tướng Chính phủ tặng 2 cờ thi đua cho tập thể Chi nhánh và tặng bằng khen cho 1 cá nhân.
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng 2 bằng khen và 3 cờ thi đua cho tập thể Chi nhánh; 9 bằng khen cho cá nhân.
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tặng bằng khen cho tập thể Chi nhánh.
- Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng 1 bằng khen cho tập thể Chi nhánh.
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 1 bằng khen cho tập thể Chi nhánh.
- UBND tỉnh tặng 5 cờ thi đua cho Chi nhánh; tặng bằng khen cho 13 tập thể và 32 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động từ năm 2003 đến 2017.

Thời gian tới, bám sát mục tiêu chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 12-4-2017 của Tỉnh ủy về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 và Quyết định số 712/QĐ-UBND ngày 29-9-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; bám sát chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tập trung phát triển Chi nhánh theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực thực hiện tốt tín dụng CSXH của Nhà nước tại địa phương.

Cụ thể là tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội để tạo lập nguồn vốn nhằm mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Ngoài ra, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, phát triển các dịch vụ ngân hàng, củng cố hoạt động điểm giao dịch tại xã và nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo vốn vay được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, có hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thảo Nguyên

* Bà Phạm Thị Tố Hải-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:
Hơn 12 ngàn hội viên, phụ nữ thoát nghèo nhờ được vay vốn


Trong 15 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng liên tục cả khối lượng lẫn số lượng chương trình tín dụng. Đến nay, dư nợ đạt 1.420 tỷ đồng với 53.400 hộ vay, chiếm  hơn 38,5% tổng dư nợ Ngân hàng CSXH tỉnh ủy thác cho các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn. Song song với việc ủy thác cho vay, các Tổ tiết kiệm và  vay vốn còn làm tốt công tác vận động hộ vay tham gia gửi tiết kiệm hơn 51 tỷ đồng với 53.685 tổ viên/1.337 tổ tham gia, gắn thực hiện kế hoạch với làm thay đổi thói quen tiết kiệm chi tiêu trong hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số do Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh triển khai.

Thông qua hoạt động ủy thác của Hội, đã có 46.450 lượt hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn, 12.475 hội viên, phụ nữ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Cũng với hoạt động này, các cấp Hội được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, năng lực hoạt động, quản lý tài chính, tín dụng ngân hàng, giúp triển khai công tác Hội tốt hơn, phong phú và thiết thực hơn. Đồng thời, giúp Ngân hàng CSXH  tiết giảm chi phí quản lý, đồng vốn được giải ngân đến đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, thuận lợi, vốn vay được quản lý chặt chẽ; công tác thu lãi, thu nợ, quản lý vốn tốt hơn, hạn chế thất thoát.

* Ông Rơ Mah Giáp-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh:
Phát huy và quản lý tốt nguồn vốn tín dụng ủy thác


Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp tích cực, chặt chẽ thực hiện tốt các văn bản thỏa thuận mà 2 đơn vị ký kết. Hoạt động ủy thác cho vay có tác động tích cực và mang lại hiệu quả chẳng những về kinh tế mà còn về chính trị, xã hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đánh giá cao, đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thực hiện hoạt động ủy thác cho vay giữa Ngân hàng CSXH tỉnh với Hội Nông dân tỉnh, sau 15 năm đã triển khai đến 100% cơ sở xã, phường, thị trấn với việc hình thành các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội Nông dân tỉnh đã nhận ủy thác 12 chương trình tín dụng ưu đãi cho vay, dư nợ ngày càng tăng. Đến 31-7-2017, tổng dư nợ đạt hơn 1.250 tỷ đồng thông qua 1.232 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 48.393 thành viên dư nợ, bình quân dư nợ/ hộ không ngừng tăng lên. Tỷ lệ nợ quá hạn ở thời điểm hiện tại là 0,14%, giảm 6,91% so với năm 2002. Tỷ lệ thu lãi bình quân hàng năm đạt trên 99%.

Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ gốc, lãi đúng hạn, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên hộ trung bình, hộ khá. Có thể nói vốn tín dụng ủy thác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh và phấn đấu đến cuối năm 2017 giảm còn 14,35%.

* Bà Siu Biếp (làng Koai, xã Ia Blang, huyện Chư Sê):
Vốn tín dụng chính sách ưu đãi giúp gia đình tôi thoát nghèo


Năm 2012, gia đình tôi được chính quyền địa phương, Tổ tiết kiệm và vay vốn của làng và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã bình xét điều kiện hộ nghèo để vay vốn Ngân hàng CSXH 15 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, tôi đầu tư chăm sóc vườn hồ tiêu 100 trụ, cho thu hoạch ổn định, bình quân thu nhập mỗi năm trên 20 triệu đồng. Sau 3 năm, gia đình trả được nợ ngân hàng và đầu tư mua thêm 3 sào đất để sản xuất. Năm 2015, gia đình tiếp tục vay Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê 30 triệu đồng để đầu tư trồng 200 trụ hồ tiêu, 2 sào lúa nước. Cuối năm 2016, gia đình tôi đã làm được ngôi nhà mới khang trang. Gia đình tôi tiếp tục vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư trồng mới 200 trụ hồ tiêu và chăm sóc 300 trụ trước đó. Từ kết quả sản xuất và uy tín có được, tôi được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để cùng giúp hộ nghèo trong tổ, trong làng tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là đòn bẩy để gia đình tôi và các hộ nghèo làng Koai vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

* Bà Lê Thị Nguyệt (thôn 8, xã Đông, huyện Kbang):
Không có vốn ưu đãi chính sách xã hội, 4 con tôi không thể thành đạt như ngày hôm nay


Bác sĩ Đinh Quang Đạt (con trai bà Lê Thị Nguyệt)
Bác sĩ Đinh Quang Đạt (con trai bà Lê Thị Nguyệt)

Gia đình tôi đông người (6 đứa con), lại chỉ có 5 sào rẫy nên đói nghèo dai dẳng. Dù rất cố gắng nhưng 2 đứa con đầu sau tốt nghiệp THPT phải nghỉ học.

Năm 2003, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH dành cho hộ nghèo để trồng cà phê và đầu tư cho con ăn học. Từ nguồn vốn ngân hàng, chúng tôi có điều kiện phát triển kinh tế, xây được căn nhà cấp IV và  trang trải chi phí học tập cho 4 người  con. Các con tôi đều đã ra trường và có việc làm, giúp cha mẹ trả hết các khoản nợ vay. Quả thật, nếu không có nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH thì 4 con tôi không thể thành đạt như ngày hôm nay.

Thất sơn (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.