Chư Pưh: Dấu ấn 10 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm thành lập, đến nay, huyện Chư Pưh đã chuyển mình mạnh mẽ dù gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhìn lại hành trình 10 năm, ông Lê Quang Thái-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-đã có cuộc trao đổi với P.V Báo Gia Lai Điện tử. 
* P.V: 10 năm qua, Chư Pưh đã có những thành tựu đáng kể như thế nào trong phát triển kinh tế-xã hội, thưa ông?
- Ông LÊ QUANG THÁI: Những năm gần đây, cũng như một số địa phương sản xuất hồ tiêu, huyện Chư Pưh gặp không ít những khó khăn, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy vậy, nhìn lại cả chặng đường 10 năm từ ngày thành lập, huyện đã gặt hái được những thành công nhất định. Trong đó, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, giá trị sản xuất tăng bình quân 10 năm (theo giá so sánh 2010) là 10,67%, tăng 46% so với năm 2010. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 (theo giá hiện hành) đạt 4.992,21 tỷ đồng (tăng 3,7 lần so với năm 2010).
 Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng. Cụ thể: tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ chiếm 54% (tăng 14,61% so với cơ cấu kinh tế năm 2010); tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 46% (năm 2010 chiếm 60,41%). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40,33 triệu đồng/năm (tăng 3,5 lần so với năm 2010).
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được quan tâm chỉ đạo. Nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu những mô hình hay, hiệu quả để người dân tham gia liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình. Hiện nay, trên địa bàn đã có 11 tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chanh dây với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; xây dựng 5 chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị: liên kết trồng nhãn Hương Chi (118,8 ha); sản xuất lúa J02 (150 ha); sản xuất nghệ sạch (15 ha); sản xuất dâu tằm tơ (20 ha); trồng mít Thái (15 ha). Đồng thời thực hiện dự án phát triển cây có múi thuộc Chương trình nông thôn miền núi với tổng kinh phí 10 tỷ đồng cho 20 ha cam CS1, 10 ha bưởi đỏ Hòa Bình; chuyển đổi diện tích hồ tiêu chết sang trồng các loại cây ăn trái, đến nay tổng diện tích đã chuyển đổi là 919,05 ha cây ăn quả các loại.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai khá hiệu quả với 4 sản phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định tỉnh đánh giá, xếp hạng gồm: viên tinh nghệ đỏ, mật ong, sữa ong chúa AGILA; sản phẩm sầu riêng Hợp tác xã Đại Ngàn; sản phẩm rượu đinh lăng; sản phẩm tinh bột nghệ đỏ AGILA.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, trên địa bàn đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM: Ia Phang, Ia Blứ, Ia Hrú, Ia Le. Có 1 làng được công nhận làng NTM là Kênh Săn (xã Ia Le). Phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ hoàn chỉnh hồ sơ xét công nhận xã Ia Rong và làng Tao Kó (xã Ia Rong), làng Thơ Nhueng (xã Ia Phang) đạt chuẩn.
Về liên kết sản xuất năng lượng sạch (điện mặt trời và điện gió), đến nay đã có 15 khảo sát, xây dựng dự án với công suất 1.919 MW, tổng kinh phí đầu tư trên 15.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt trên 277 tỷ đồng/năm, trong đó thu trên địa bàn hơn 48 tỷ đồng/năm, đạt 100,5% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Các vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm... được quan tâm chăm lo, đời sống nhân dân ổn định. Công tác giảm nghèo được triển khai quyết liệt, phấn đấu đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,8%.
Chư Pưh hôm nay. Ảnh: Đ.T
Chư Pưh hôm nay. Ảnh: Đ.T
* P.V: Để duy trì và phát triển kinh tế-xã hội, trong thời gian tới, huyện sẽ có những quyết sách cụ thể ra sao?
- Ông LÊ QUANG THÁI: Nhìn lại hành trình 10 năm, bên cạnh những thành quả thì cũng có những hạn chế nhất định như: tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn yếu, chưa đảm bảo sự ổn định về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm... Việc huy động nguồn lực và đóng góp của nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM còn thấp. 
Đặc biệt, những năm gần đây, đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn do nhiều diện tích hồ tiêu bị chết do bệnh, giá cả rất thấp nên nhiều nông dân rơi vào cảnh nợ chồng nợ, không ít hộ phải rời địa phương đi nơi khác kiếm sống. Đây là nỗi trăn trở của lãnh đạo huyện.
Tôi cho rằng, để Chư Pưh tiếp đà phát triển thì cần chú trọng phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp toàn diện theo hướng bền vững gắn với xây dựng NTM; thực hiện tốt việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó là nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ chất lượng cao như: tài chính, ngân hàng, công nghệ-thông tin, viễn thông, vận tải, bảo hiểm, y tế, tư vấn. Kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị, nhất là phát triển năng lượng điện mặt trời và điện gió.
Đối với cây hồ tiêu, để giải được bài toán cây chết hàng loạt vì bệnh và giá cả bấp bênh; giải pháp trước tiên phải phát triển bền vững, mà để bền vững thì phải sản xuất hồ tiêu sạch, đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp, như vậy thì vấn đề giá bấp bênh sẽ được giải quyết căn cơ. Đối với những diện tích đất trồng hồ tiêu không đảm bảo để tiếp tục tái vườn cây thì chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế tương đương hoặc cao hơn.
* P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
 MINH THI (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.