Chư Pưh: Nông thôn khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân, cộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của huyện Chư Pưh, Gia Lai đã không ngừng thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, thu nhập bình quân đầu người tăng cao.
Những năm qua, phong trào “Chư Pưh chung sức xây dựng NTM” được phát động rộng khắp từ huyện đến các thôn, làng với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động sâu rộng. Nhờ đó, người dân đã hiểu rõ xây dựng NTM là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Từ nhận thức rõ ràng, đúng đắn đó, người dân đã tích cực tham gia xây dựng NTM bằng nhiều việc làm cụ thể như: hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập; xây dựng cảnh quan môi trường trên địa bàn xanh-sạch-đẹp.
 Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Chư Pưh được nhựa hóa, bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: N.Q
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Chư Pưh được nhựa hóa, bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: N.Q
Ia Phang là một trong những xã đi đầu và triển khai hiệu quả phong trào chung sức xây dựng NTM ở huyện Chư Pưh. Chỉ sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, năm 2014, Ia Phang đã trở thành xã đầu tiên của huyện Chư Pưh được công nhận đạt chuẩn NTM. Ông Trần Hoàng-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền cấp trên cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, làng, phong trào xây dựng NTM đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn. Xã đã huy động nhân dân trên địa bàn đóng góp trên 9,3 tỷ đồng gồm: tiền mặt, hiến đất, ngày công để làm đường giao thông, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng… Đặc biệt, xã tập trung vận động, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 37% năm 2011 xuống còn 5,4%; thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua từng năm, hiện đạt trên 38 triệu đồng. Toàn xã hiện không còn nhà ở dột nát, 87,19% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định; 80% trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia... Xã đang tiếp tục tập trung củng cố các tiêu chí NTM đã đạt, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Theo ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Chư Pưh đã giải ngân hàng ngàn tỷ đồng từ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và huyện, vốn lồng ghép, vốn tín dụng… để triển khai xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đặc biệt, người dân trên địa bàn cũng rất tích cực đóng góp cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM. Trong 10 năm qua, người dân đã đóng góp hơn 227 tỷ đồng (trong đó, đóng góp bằng tiền mặt hơn 4,3 tỷ đồng, gần 34 ngàn ngày công lao động, hiến 115 ngàn m2…) để làm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của huyện đã thay đổi rõ nét. 
Đến nay, huyện Chư Pưh có trên 90,6% đường trục xã, đường từ trung tâm xã kết nối với đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; gần 70% đường trục thôn, đường liên thôn được bê tông hóa, cứng hóa; trên 70% đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa… Bên cạnh đó, 100% số xã trên địa bàn có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và 99% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 6/8 xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất trường học; 7/8 xã có Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Nếu như thời điểm mới bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt khoảng 24 triệu đồng thì đến cuối năm 2018 tăng lên trên 41 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, đến nay chỉ còn 10,2%.
“Đến nay, huyện Chư Pưh đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Ia Phang, Ia Le, Ia Hrú và Ia Blứ; có thôn Kênh Săn (xã Ia Le) đạt chuẩn làng NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 11,88 tiêu chí/xã… Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM. Để đạt mục tiêu đó, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” gắn với xây dựng NTM, “Tuổi trẻ chung sức xây dựng NTM”… Huyện cũng sẽ tăng cường đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp đủ sức cạnh tranh, mang lại lợi ích cho thành viên, nông dân, góp phần giúp người dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, công trình thủy lợi…”- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho hay. 
NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.