Gia Lai: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh đang rất phức tạp, dự lường sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh, biện pháp chính vẫn là vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy. Tuy nhiên, ý thức người dân chưa cao dẫn đến việc phòng-chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Bệnh nhân tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái 
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, thời tiết biến đổi thất thường, thêm vào đó là Gia Lai rơi vào chu kỳ dịch 3-5 năm là nguyên nhân chính để SXH bùng phát. Không riêng Gia Lai mà các tỉnh Tây Nguyên cũng đang gồng mình chống dịch. Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-thông tin: 2 tháng trở lại đây, SXH có chiều hướng bùng phát và gia tăng. Tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.000 ca mắc SXH, nâng tổng số ca mắc SXH trong 6 tháng đầu năm nay lên 2.280 ca tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố; tăng 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đứng đầu toàn tỉnh là TP. Pleiku với 490 ca mắc SXH, tiếp theo là huyện Kbang 453 ca, Chư Prông 315 ca… Thời điểm này, SXH có chiều hướng tăng nhanh ở các huyện phía Đông của tỉnh, ngoài Kbang thì tại các huyện Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê, số bệnh nhân mắc cũng đang tăng cao.
Người dân cần vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng-chống SXH. Ảnh: Như Ý
Người dân cần vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng-chống SXH. Ảnh: Như Ý
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh đã phát hiện 506 ổ dịch SXH, ngành chức năng đã tiến hành xử lý 415 ổ dịch với các biện pháp vệ sinh môi trường và phun hóa chất. Hiện vẫn còn 91 ổ dịch, trong đó có 81 ổ dịch đang hoạt động chưa xử lý được. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã cung cấp cho các Trung tâm Y tế huyện 806 lít hóa chất diệt muỗi; 206 kg hóa chất diệt ấu trùng muỗi; cấp 2 máy phun khói và 10 máy phun sương. Ngoài ra, trong quá trình xử lý dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh còn điều động phương tiện, thiết bị từ các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố không có dịch đến điểm xảy ra dịch.
Tuy nhiên, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng chỉ là phần ngọn nếu các ngành, địa phương và người dân không chung tay triển khai các biện pháp từ gốc là vệ sinh môi trường, chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy. Kết quả điều tra véc tơ trước và sau phun hóa chất tại các ổ dịch cho thấy, chỉ số BI (dụng cụ chứa lăng quăng/bọ gậy) tại hộ gia đình vượt mức quy định của Bộ Y tế. Qua đó cho thấy ý thức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình chưa cải thiện.
Nỗ lực phòng-chống SXH
Tại khu vực phía Đông tỉnh, tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến rất phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các địa phương trong khu vực đã ghi nhận 750 ca mắc SXH. Trong đó, huyện Kbang 453 ca, Đak Pơ 93 ca, Kông Chro 24 ca và thị xã An Khê 180 ca. Riêng tại huyện Kbang, đến nay, SXH đã xuất hiện ở 13/14 xã, thị trấn; tập trung nhiều ở thị trấn Kbang và các xã: Sơ Pai, Nghĩa An và xã Đông.
Bác sĩ Đậu Đăng Khoa-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kbang-cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện chỉ ghi nhận 1 ca mắc SXH. Nhưng năm nay, số ca mắc tăng đột biến, chỉ riêng trong tháng 6 đã ghi nhận 250 ca. Hiện đã vào mùa mưa, nếu không có sự can thiệp, xử lý quyết liệt, sự chung tay vào cuộc của các ngành, chính quyền địa phương và người dân thì bệnh SXH sẽ còn diễn biến phức tạp”.
Trước những diễn biến của dịch bệnh, ngành Y tế huyện Kbang tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có bệnh nhân mắc SXH và khu vực lân cận. Đặc biệt, tăng cường truyền thông đến người dân diệt lăng quăng/bọ gậy ngay tại gia đình, khu vực công cộng. Đến nay, huyện đã tổ chức truyền thông 4 đợt tại xã Đông và xã Sơ Pai với hơn 150 lượt người tham dự; phun hóa chất lần 2 ở khu vực thị trấn Kbang, xã Đông và xã Sơ Pai với trên 100 lít. Tại các huyện Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê, ngoài triển khai các biện pháp phòng-chống theo quy định thì công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân chủ động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy được chú trọng triển khai.
Đứng đầu về số ca mắc SXH trên toàn tỉnh, TP. Pleiku đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng-chống, không để SXH bùng phát và lây lan trên diện rộng. Hiện tại đã có 2.047 hộ được truyền thông trực tiếp, cùng với nhiều đợt tuyên truyền lưu động góp phần nâng cao nhận thức và huy động người dân chung tay phòng-chống dịch bệnh. Phường Yên Thế từng là “điểm nóng” về SXH của thành phố. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và có sự vào cuộc tích cực của người dân nên số ca mắc SXH trên địa bàn phường đã giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thị Thu Hương-Phó Trưởng trạm Y tế phường Yên Thế-chia sẻ: “Để việc phòng-chống SXH đạt hiệu quả cao, trước khi phun hóa chất diệt muỗi, chúng tôi vận động người dân tích cực vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, nhiều ổ dịch SXH trên địa bàn phường đã được khống chế”.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, để diệt lăng quăng/bọ gậy, các gia đình cần thường xuyên vệ sinh, đậy kín và thay nước hàng tuần tất cả vật dụng chứa nước ăn uống, sinh hoạt. Thả cá vào các vật dụng chứa nước để tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy. Vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh. Tiến hành thu gom, tiêu hủy rác thải, lật úp dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước xung quanh nhà như: chum vại, vỏ lon, chai lọ, lốp xe…

Như Ý-Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.


Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.