Phòng-chống sốt xuất huyết ở Gia Lai: Cần nâng cao nhận thức người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có hơn 1.100 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, khoảng 1 tháng trở lại đây, số ca mắc SXH có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Huyện Krông Pa là địa phương ghi nhận số ca mắc SXH nhiều nhất tỉnh từ đầu năm đến nay với hơn 220 ca mắc. Khi số ca mắc tại huyện này có chiều hướng giảm dần thì tại một số địa phương khác như TP. Pleiku và các huyện Chư Prông, Kbang, thị xã An Khê... lại gia tăng, có nguy cơ bùng phát bệnh SXH trên diện rộng. Riêng TP. Pleiku hiện đã có gần 200 ca mắc SXH, đứng thứ 2 toàn tỉnh, huyện Chư Prông đứng thứ 3 với trên 150 ca mắc… Dự báo SXH sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian đến đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp của người dân trong công tác phòng-chống dịch bệnh.
Tại TP. Pleiku, công tác phòng-chống SXH đang được chú trọng tăng cường. Trung tâm Y tế TP. Pleiku thường xuyên tổ chức giám sát tại ổ dịch cũ, các ổ dịch mới, xác định vùng có yếu tố nguy cơ cao; giám sát bệnh nhân mắc SXH tại những vùng có nhiều bệnh nhân. Tổ chức phun hóa chất chủ động diệt muỗi trưởng thành tại các ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách tuần để xử lý triệt để các ổ dịch, đảm bảo 100% hộ gia đình tại các ổ dịch được phun hóa chất theo quy định.
Công tác phòng-chống SXH đang được chú trọng tăng cường. Ảnh: N.N
Công tác phòng-chống SXH đang được chú trọng tăng cường. Ảnh: N.N
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 4 đến nay, TP. Pleiku đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng-chống SXH” đợt 1-2019 thu hút sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể địa phương và người dân. Ông Đặng Phước Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku-thông tin: Đến nay đã có 23/23 xã, phường trên địa bàn thành phố phát động và triển khai các hoạt động trong chiến dịch. Chính quyền tăng cường truyền thông tuyên truyền, vận động các tổ chức, đoàn thể, người dân chung tay vệ sinh môi trường; thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại khu dân cư để phòng-chống SXH. Đợt 1 của chiến dịch kéo dài đến ngày 10-6 và tiếp tục thực hiện đợt 2 vào tháng 9-2019.
Tại huyện Chư Sê, đến nay, địa phương đã ghi nhận 38 ca mắc SXH. Tuy không nằm trong tốp đầu nhưng nguy cơ bùng phát bệnh SXH vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là trong giai đoạn cao điểm hiện nay. Ông Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê-cho hay: Chúng tôi đã thành lập 2 tổ phòng-chống SXH, khi nắm bắt có ca bệnh mới tại địa bàn thì triển khai phun hóa chất diệt muỗi ngay không để bệnh lây lan và bùng phát. Công tác tuyên truyền được chú trọng, thường xuyên triển khai thực hiện vệ sinh môi trường, đồng thời địa phương cũng luôn quan tâm hỗ trợ kinh phí trong phòng-chống dịch bệnh.
Trong phòng-chống bệnh SXH, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chỉ góp phần giải quyết phần ngọn, việc chính vẫn là diệt lăng quăng; không có lăng quăng sẽ không có SXH. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, lơ là, chưa chủ động phối hợp trong công tác vệ sinh nhà cửa, tham gia diệt lăng quăng. Tại xã Thăng Hưng, địa bàn có số ca mắc SXH cao của huyện Chư Prông với hơn 60 trường hợp ghi nhận từ đầu năm đến nay, hơn 1 tháng qua, địa phương đã tập trung triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại các ổ dịch. Y sĩ Mai Hồng Thái-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thăng Hưng-chia sẻ: Phòng-chống SXH quan trọng nhất là vệ sinh môi trường để diệt lăng quăng. Tuy nhiên, ý thức của một số người dân còn thấp. Qua công tác kiểm tra cho thấy, tại nhiều hộ vẫn còn tình trạng để nước đọng lưu cữu, chưa chủ động thực hiện vệ sinh môi trường.
Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-cho biết: Hiện đang là cao điểm gia tăng dịch bệnh SXH, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất diệt muỗi cấp cho các địa phương; tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có số trường hợp mắc SXH cao triển khai các hoạt động phòng-chống theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những địa phương còn lại tăng cường giám sát các trường hợp bệnh và triển khai hoạt động phòng-chống theo quy định. “Bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh, các ngành, địa phương và người dân cần chung tay phòng-chống, tiến tới khống chế và đẩy lùi bệnh SXH. Người dân cần có ý thức vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng để phòng ngừa SXH. Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng-chống SXH 15-6 tới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác này”-ông Gia cho biết thêm.
 NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.