Có hay không nhóm lợi ích từ gỗ lậu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, Ia Grai và Chư Pah lại nóng lên bởi nạn khai thác gỗ lậu. Nhiều lóng gỗ đường kính 40-80 cm, dài 4-5 m, từ trong rừng sâu được các công cụ hiện đại như: cưa máy, xe kéo, xe cẩu... khai thác, vận chuyển về. Bên cạnh việc đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào rừng, lâm tặc còn mở đường, mua sắm các thiết bị “khủng” để vận chuyển gỗ bằng đường bộ và đường thủy. Lâm tặc “tài thánh” nào mà qua mặt các cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ rừng dày đặc như vậy?!
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu ở xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) dân làm gỗ “cả gan” mở đường bộ độc đạo từ làng Ia Gri vào sâu trong rừng thì ở Sê San 3A, để tập kết gỗ ở bờ hồ, họ vừa làm đường bộ, vừa làm dụng cụ vận chuyển trên đường thủy, quy mô đường sá, thiết bị “hoành tráng”, tiền tỷ. Con đường gỗ lậu từ Chư Pah qua Ia Grai, đoạn 1 bắt đầu từ tuyến đường nhựa vào gần Nhà máy Thủy điện Sê San 3A rẽ phải, qua nhiều nương rẫy của dân làng Nú (xã Ia Khai), xuống tận mép nước hồ thủy điện Sê San 3A, dài hơn 4 km. Đoạn 2 từ suối Nước Ly lên tiểu khu 227 của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly để hạ rừng, đốn gỗ. Con đường xuyên rừng cả chục cây số (chúng tôi chưa đi hết) được máy ủi, máy múc mở công phu, bằng phẳng như đại lộ. Nối 2 đường bộ này là tuyến thủy hàng chục km trên hồ thủy điện Sê San 3A. Muốn vận chuyển gỗ, máy đào, máy ủi trên đường thủy phải đóng xà lan lớn, kinh phí bỏ ra không hề nhỏ.

Làm đường như thế, chắc chắn không phải ngày một ngày hai mà phải nhiều tuần. Máy móc san ủi đường vào nương rẫy làng Nú nhưng lãnh đạo xã, hệ thống chính trị xã thôn, dân làng “không biết”. Một phần đất của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai cũng dính đến con đường này, nhưng trạm quản lý bảo vệ rừng nằm bên đường cách đó không xa cũng “không biết”. Bến bãi gỗ lậu dập dìu như thế, kiểm lâm địa bàn Ia Khai “không có thông tin gì”. Liệu có sự ăn chia nào đó như dư luận xì xào? Chẳng lẽ các ngành chức năng ở cơ sở yếu kém đến vậy? Nếu không yếu kém, tệ hại thì chỉ còn lý do là cấu kết với lâm tặc thành nhóm lợi ích. Cả 2 lý do này đều khó chấp nhận.

Để vận chuyển gỗ, vận chuyển thiết bị hiện đại, nhất là máy ủi, máy múc, máy cưa, xe vận chuyển gỗ vào rừng rồi khai thác gỗ chuyển về nơi tiêu thụ, cần sắm xà lan lớn đi trên hồ. Lâm tặc mở đường từ bờ hồ lên núi cao, khai thác, vận chuyển gỗ, cẩu gỗ đưa xuống mà nhân viên quản lý rừng không biết. Rừng được các chủ rừng coi giữ, ngân sách ngày ngày chi cho họ, các hồ thủy điện phải trả nhiều chục tỷ tiền dịch vụ môi trường rừng mỗi năm, song hiệu quả giữ rừng thế nào ai cũng rõ. Tây Nguyên mỗi năm mất trắng cả chục ngàn ha rừng, chất lượng rừng suy thoái nghiêm trọng, tài nguyên rừng mai một đến cùng cực. Những thứ mất đi đó sẽ về túi một số người, chứ không thể mất vào hư vô. Lâm tặc được một phần, còn lại ai chung lợi ích?

Chính vì có một số bộ phận, một số người cùng nhóm lợi ích làm ngơ cho lâm tặc tàn phá rừng nên câu hỏi của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tại một hội nghị: “Vì sao ma túy gói nhỏ như vậy bắt được mà những xe gỗ to như thế, kéo từ rừng về không tìm ra thủ phạm?”, có lẽ mãi vẫn không có lời giải. Các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản, dù bắt được cùng lúc nhiều xe gỗ, bắt được lượng lớn gỗ lậu, nhưng đều chung kịch bản gỗ “vắng chủ”.

Khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép nếu không được điều tra đến nơi đến chốn, nếu để “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng sẽ không chuyển biến. Rừng là kho vàng, những người được giao chìa khóa giữ kho này, trách nhiệm thì chung chung, song lợi ích thì rất cụ thể. Chỉ cần nhắm mắt, làm ngơ, nói lời “không biết”, thế là có lợi ích, vậy người ta chọn cái gì, trừ khi trách nhiệm được quy kết, truy vấn tới cùng. Các hiện trường khai thác gỗ cần được kiểm tra, đo đếm đầy đủ, có sự giám sát của các cơ quan chức năng, những người buông lỏng trách nhiệm phải bị trừng trị để không dám buông lỏng, khi đó mới mong có chuyển biến trong bảo vệ rừng, loại trừ nhóm lợi ích do gỗ lậu.

Nếu lần này đường dây khai thác, vận chuyển gỗ từ rừng Chư Pah về Ia Grai, đưa đi tiêu thụ không được làm rõ, những lóng gỗ trong lòng hồ không được trục vớt hết, chỉ trục vớt chiếu lệ; nếu các khu rừng ở Chư Pah không được khám nghiệm hiện trường, điều tra đầy đủ, có giám sát tốt thì việc quản lý, bảo vệ rừng đâu lại vào đó, lâm tặc động ở chỗ này sẽ nhảy sang chỗ khác chứ không bỏ nghề.

Có xóa bỏ nhóm lợi ích trong khai thác gỗ lậu thì mới mong bảo vệ được rừng.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.