Oằn mình trong mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa nguôi ngoai với những mất mát lớn về người và tài sản do đợt mưa lũ trong tháng 10 gây ra, mảnh đất cong cong hình chữ S bên bờ Biển Đông này lại phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề của cơn bão số 12 trải dài từ các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Nam Trung bộ và Tây Nguyên với cả trăm người chết và mất tích. Dẫu không mới nhưng câu chuyện bão lũ với những mất mát về vật chất và tính mạng con người luôn gợi lên những đau xót, nghĩ suy về thiên tai và cả nhân tai. 
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Không nỗi lo nào lớn hơn nỗi lo tàn phá của thiên tai. Cơn bão số 12 được cho là một trong những cơn bão mạnh trong vài chục năm trở lại đây đã đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ mấy ngày qua. Bão kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào, gây mưa lớn cả khu vực. Tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày qua là hình ảnh, số liệu thiệt hại về người và tài sản do bão số 12 và mưa hoàn lưu sau bão gây ra. Bão đánh chìmtàu bè, thủy điện xả lũ, nước sông dâng cao, núi đồi sạt lở, cầu sập, lũ lụt giăng tứ bề, số người chết và mất tích cứ tăng lên từng ngày. Đến chiều 7-11, từ Thừa Thiên-Huế vào tận Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên đã có 69 người chết và 30 người mất tích.

Thủ tướng Chính phủ liên tục có công điện chỉ đạo, nhắc nhở các ngành chức năng, chính quyền các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên tích cực, chủ động ứng phó với thiên tai. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng-chống thiên tai Hoàng Văn Thắng vào miền Trung trực tiếp chỉ đạo công tác phòng-chống bão lụt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho dân. Đặc biệt là phải đảm bảo cho các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng được diễn ra thuận lợi. Mọi nguồn lực từ trung ương đến địa phương đã được huy động. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 sẵn sàng lên đường. Bởi lẽ, cứu dân là cứu mình-mệnh lệnh từ trái tim, người chiến sĩ chỉ biết tiến mà không một phút giây do dự.

Nằm sâu trong đất liền, Tây Nguyên là vùng ít chịu ảnh hưởng của các cơn bão. Thế nhưng, khi khí hậu biến đổi bất thường, mảnh đất này cũng không thoát khỏi sự tàn phá của thiên tai. Bão số 12 cũng đã gây mưa lớn tại các tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông. Nhiều huyện, thị xã ở Gia Lai như: Kông Chro, An Khê, Ayun Pa, Krông Pa… bị ngập lụt; nhà cửa bị tốc mái, hoa màu bị bồi lấp. Nhiều nhà dân ở tỉnh Đak Nông bị gió lốc đánh sập, nhiều gia đình phải chịu cảnh không nhà. Thiệt hại về vật chất của các địa phương đã lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng.

Bao đời nay sống ở mảnh đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, người dân miền Trung vốn đã quen với những điều tệ hại nhất mà thiên tai, bão lũ có thể gây ra cho họ. Nhưng họ không khuất phục, không quỵ ngã. Người dân vùng này luôn biết đứng lên để tồn tại, trong sự quan tâm sâu sát của Đảng và Chính phủ, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, của những tấm lòng sẻ chia khắp cả nước. Những cơn bão rồi sẽ đi qua, nước lũ có dâng cao đến đâu rồi cũng đến ngày phải cạn dòng. Chỉ nỗi đau mất mát là ở lại, cùng câu hỏi ray rứt lòng người: “Vì sao?”   

Vì sao thiên nhiên vốn dĩ hiền hòa, những con sông từ bao đời chở nặng phù sa bồi đắp nên bao xóm làng trù phú, dệt nên mạch nguồn văn hóa, hình thành cốt cách, tâm hồn những miền quê, bây giờ lại đỏ ngầu giận dữ, cuốn trôi nhà cửa, xóm làng, cuốn trôi bao phận người vốn gắn bó cả đời mình với lũy tre làng, với bờ bãi dâu xanh?

Rừng đầu nguồn bị tàn phá, lòng sông bị khai thác cát sỏi vô tội vạ, bị ngăn thành hồ, thành đập để làm thủy điện, mà không ít trong số ấy là nguyên nhân làm mất đi bao cánh rừng, làm mất đi lá chắn lũ lụt hữu hiệu, khiến những năm gần đây, bão lũ năm sau bao giờ cũng dữ dội hơn năm trước. Chúng ta đã ứng xử thô bạo với thiên nhiên và bây giờ phải gánh chịu hậu quả. Điều đó nhiều người thấy, nhiều người nói, nhưng sao nạn phá rừng vẫn chưa được ngăn chặn?

Để thành quả xây dựng bao năm không tan biến sau một cơn cuồng nộ của thiên nhiên, đất nước cần hơn những chính sách hữu hiệu và hành động có trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trước sự cạn kiệt của tài nguyên và tình trạng suy thoái của môi trường. Không thể cứ bỏ mặc rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ, để rồi, năm nào cũng phải lo cứu trợ cho dân. Tiền thì có thể, nhưng sinh mạng con người thì lấy gì bù đắp!

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Công ty 72 khen thưởng 48 tập thể và cá nhân

Công ty 72 khen thưởng 48 tập thể và cá nhân

(GLO)-

Chiều 25-4, Công ty TNHH một thành viên 72 (Công ty 72), Binh đoàn 15 tổng kết công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt năm 2023 và điều chỉnh địa chỉ kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc với các thôn, làng.

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.