Thủy điện Ia Ly: Vượt khó để thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công ty Thủy điện Ia Ly vừa trải qua năm 2020 với nhiều sự kiện đặc biệt. Đây là năm Công ty tròn 20 tuổi kể từ ngày tổ máy số 1 phát điện hòa lưới (ngày 12-5-2000). Đồng thời, đây cũng là năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các đơn vị thành viên thực hiện chủ đề “Tập trung hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2016-2020” và EVN được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào dịp kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành Điện Việt Nam (21/12/1954-21/12/2020).
Tuy nhiên, 2020 cũng là năm cực kỳ khó khăn trong công tác sản xuất điện khi tình hình khô hạn kéo dài, lưu lượng nước về hồ rất thấp. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn cầu. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, tập thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty luôn đoàn kết, thống nhất, vững vàng trước thách thức, vượt khó thành công và đạt được những thành tích đáng ghi nhận trên các mặt công tác.
Cán mốc 90 tỷ kWh điện
Năm 2020, Thủy điện Ia Ly gặp rất nhiều khó khăn trong công tác sản xuất do thời tiết khô hạn kéo dài, tổng lưu lượng nước về hồ trong năm chỉ bằng 78% so với trung bình nhiều năm, đồng nghĩa với sản lượng điện không thể đạt được như các năm trước. Khó khăn là vậy nhưng đến cuối năm, tổng sản lượng điện lũy kế của toàn Công ty đã cán mốc 90 tỷ kWh.
Với sản lượng này, Thủy điện Ia Ly đã góp phần quan trọng cùng EVN cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế đất nước, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số với 100% xã, phường, thị trấn. Ia Ly đã khẳng định được vị thế, tầm vóc của công trình thủy điện lớn nhất khu vực miền Trung, mang lại những đổi thay cho vùng đất Tây Nguyên. Thủy điện Ia Ly là bằng chứng về sự đầu tư đúng đắn, hiệu quả của Chính phủ và các thế hệ CBCNV có quyền tự hào về những đóng góp của mình trong những năm qua.
Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật
Năm 2020 là năm Công ty Thủy điện Ia Ly chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cải tiến kỹ thuật, tự động hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, cải tiến tác nghiệp, nâng cao độ tin cậy… Đây là kế hoạch quy mô và chi tiết được xây dựng bài bản, đầy đủ và triển khai trong toàn công ty gồm 5 lĩnh vực với gần 50 mục tiêu đặt ra.
Chỉ tính riêng lĩnh vực sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong năm, Công ty đã có 6 sáng kiến được Tập đoàn xét công nhận. Trong đó, một số sáng kiến đã được đưa vào áp dụng trên thực tế và mang lại hiệu quả như: điều khiển từ xa DCS các trạm bơm nước Nhà máy Thủy điện Ia Ly; điều khiển xa từ DCS van cung đập tràn Nhà máy Thủy điện Sê San 3 theo giá trị đặt (Setpoint); cải tạo mạch điều khiển cấp khí trong chế độ bù đồng bộ tổ máy Nhà máy Thủy điện Ia Ly; cải tạo mạch tín hiệu và logic bảo vệ đứt chốt cắt cánh hướng các tổ máy Nhà máy Thủy điện Plei Krông… Nhờ vậy, Công ty tiếp tục được EVN đánh giá là đơn vị có nhiều sáng kiến đạt hiệu quả trong toàn ngành.
 Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đông Phong
Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đông Phong
Các lĩnh vực khác như: ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, kế hoạch tự động hóa, kế hoạch cải tiến tác nghiệp, nâng cao độ tin cậy về cơ bản cũng hoàn thành mục tiêu đặt ra. Điển hình là các công tác: trích xuất dữ liệu và phần mềm PMIS, trang bị động cơ bù đồng bộ cho nhà máy thủy điện Ia Ly, hoàn thành việc xây dựng vận hành văn phòng điện tử, xây dựng hướng dẫn tính toán và giao chỉ tiêu độ tin cậy tổ máy… Hiệu quả mang lại từ kế hoạch tổng thể này không chỉ nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị doanh nghiệp mà còn là tiền đề, nền móng để Công ty sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên chuyển đổi số.
Đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp và cải cách hành chính
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và EVN, với phương châm không có CBCNV bị nhiễm bệnh Covid-19 gây đình trệ sản xuất, công tác quản trị doanh nghiệp tại Công ty Thủy điện Ia Ly có những thay đổi phù hợp và tích cực. Bên cạnh việc xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, tuyên truyền nâng cao nhận thức người lao động, thực hiện nghiêm túc khai báo y tế, kiểm soát chặt chẽ lịch trình làm việc di chuyển của CBCNV, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phòng-chống dịch thì Công ty đã chủ động áp dụng phương án làm việc từ xa, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp mà thay bằng các hình thức: họp trực tuyến qua các ứng dụng zoom meeting, Microsoft Teams; trao đổi công việc, mệnh lệnh sản xuất, hành chính thông qua điện thoại và các ứng dụng Zalo, Viber…
Những năm gần đây, EVN được Tổ chức hướng tới minh bạch đánh giá là một trong các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu về minh bạch thông tin. Việt Nam hiện đứng thứ 4 khu vực ASEAN, trong đó, số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành Điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN. Kết quả này là quá trình nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của toàn thể CBCNV ngành Điện, trong đó có Công ty Thủy điện Ia Ly. Một trong những lĩnh vực mang lại thành tựu này chính là công tác cải cách hành chính.
Bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua-Khen thưởng tỉnh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đông Phong
Bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đông Phong
Năm 2020, công tác cải cách hành chính được Công ty Thủy điện Ia Ly triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng suất lao động và chuẩn hóa quá trình tác nghiệp của CBCNV. Điển hình là đã xây dựng, chuẩn hóa, ban hành áp dụng 19 lưu đồ giải quyết công việc. Đây là các quy trình thực hiện nhiệm vụ dạng hình khối, giúp nhân viên nhận biết quá trình làm việc, nhận diện sai sót và kiểm soát tiến độ.
Công ty xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án văn phòng điện tử, E.Office 3.0, ký số 100% văn bản nội bộ và hơn 90% văn bản trao đổi ra bên ngoài. Hồ sơ được thiết lập, lưu trữ, giao nộp trên môi trường điện tử đạt trên 80%. Công tác báo cáo thực hiện trực tuyến trên phần mềm dùng chung EVN Portal thay cho báo cáo giấy đạt hơn 90%. Nhìn chung tại Công ty, yêu cầu về 5H (đơn giản hóa, biểu mẫu hóa, địa chỉ hóa, lưu đồ hóa và tin học hóa) cơ bản định hình và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Lan tỏa năng lượng tích cực
Đại hội Đảng bộ Công ty lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020-2025) được tổ chức vào ngày 12-6-2020 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 9 đồng chí, đồng chí Đoàn Tiến Cường tiếp tục giữ chức Bí thư Đảng ủy Công ty.
BCH Đảng bộ Công ty Thủy điện Ia Ly, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh. Đ.P
Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty Thủy điện Ia Ly nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đông Phong
Ngày 15-3-2020, 3 nhân viên của Công ty là Ngô Tấn Biểu, Rơ Chăm Thành và Ngô Thị Đinh Đính đã hoàn trả lại cho một khách tham quan gần 90 triệu đồng bị bỏ quên tại cổng chính vào nhà máy Thủy điện Ia Ly. Hành động đẹp này đã được các báo đồng loạt đưa tin, góp phần lan tỏa đến cộng đồng nguồn năng lượng tích cực về gương người tốt-việc tốt. Tổng Giám đốc Tập đoàn đã gửi thư khen ngợi, biểu dương các cá nhân nói trên trong toàn ngành.
Kế đến, ngày 26-3-2020, các anh Đỗ Thanh Phong và Trần Hữu Nghị đã kịp thời xử lý hiệu quả vụ xe máy của một người đi đường bị bốc cháy tại khu vực Biển Hồ. Hành động kịp thời, chính xác của các anh đã nhận được nhiều lời khen ngợi, thiện cảm từ những người xung quanh.
Ngoài ra, nhiều sự kiện khác trong năm do Công ty Thủy điện Ia Ly tổ chức cũng được các phương tiện truyền thông đưa tin, tạo hiệu ứng tốt, tương tác cao trong cộng đồng như sự kiện sản xuất được 90 tỷ kWh điện sau 20 năm vận hành; trao nhà tình thương trên địa bàn các nhà máy đóng chân; tuyên truyền bảo vệ hồ chứa, vùng bán ngập…
Trên tổng thể, dù đối diện với 1 năm hết sức khó khăn, thách thức nhưng tập thể CBCNV Công ty Thủy điện Ia Ly đã vượt khó thành công và vững vàng tâm thế để sẵn sàng bước vào năm 2021 với những kỳ vọng mới.
ĐÔNG PHONG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.