Phòng-chống tiền giả xuyên quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại hội nghị quốc tế về tăng cường hợp tác phòng-chống tiền giả của Ngân hàng Trung ương 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia tổ chức ngày 28-7 tại Hà Nội, các ý kiến thống nhất nhận định, tội phạm tiền giả đang là vấn nạn của mỗi quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Tiền giả không còn là chuyện mới đối với Việt Nam. Và cả với Lào hay Campuchia, đó cũng không còn là chuyện mới.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng phải nói thật, trước hội nghị này, cả 3 quốc gia bị nạn tiền giả uy hiếp vẫn chưa có một giải pháp đồng bộ nào để đối phó có hiệu quả.

Lâu nay, dù ở biên giới mỗi nước vẫn có lực lượng Biên phòng và Công an ngăn chặn “dòng tiền giả” tuồn vào quốc gia mình, nhưng đó vẫn là chuyện “phần ai nấy lo”. Trong khi tiền giả, cũng giống như ma túy, cứ luồn sâu vào mỗi quốc gia và gây nên những tác hại không thể lường hết.

Về mặt nào đó, tiền giả chính là một thứ ma túy trong tiền tệ, nó tạo nên “siêu lợi nhuận” đồng thời phá hoại nền kinh tế quốc gia từ bên trong. Cứ âm thầm, tiền giả luồn vào tận những ngõ ngách, làng xóm hay đô thị của cả 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Cứ lâu lâu lại có tin phát hiện tiền giả ở nơi này nơi kia, nhưng chưa bao giờ các cơ quan chức năng biết rõ được trung tâm tiền giả là ở đâu và những con đường tiền giả luồn vào quốc gia mình cũng thiên hình vạn trạng.

Sự lẫn lộn giữa tiền giả và tiền thật không phải bao giờ cũng được phát hiện, vì chúng không đi qua những máy soi tiền tối tân mà “len lén” đi vào những chợ búa, làng xóm, khu dân cư mà ở đó người dân không đủ khả năng phân biệt. Với công nghệ cao bây giờ, việc sản xuất tiền giả với độ tinh vi “giống hệt” tiền thật là chuyện trong tầm tay những “thế lực đen” chuyên sản xuất và phát hành tiền giả. Đây không còn là chuyện của ngân hàng, mà là chuyện của cả nền kinh tế quốc dân, chuyện của an ninh, của lòng tin, của sự thái bình ở một quốc gia. Nếu quốc gia nào bị nạn tiền giả hoành hành mà không có biện pháp đối phó hữu hiệu thì nền tài chính của quốc gia ấy tất sẽ sụp đổ.

Ngoài chuyện sản xuất và phát hành tiền giả mang về “siêu lợi nhuận” thì đây còn là biện pháp nhằm phá hoại nền tài chính và kinh tế quốc gia để dẫn tới những nguy cơ không lường hết được. Nó là một thứ “chiến tranh ngầm”, chiến tranh không tuyên bố và diễn ra hết sức âm thầm. Nhưng hậu quả thì ghê gớm. Một khi cả 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia thấu hiểu điều này thì mới có chiến lược nhằm ngăn chặn, triệt phá và làm sạch môi trường tiền tệ của quốc gia mình.

Không còn con đường nào khác, sự hợp tác trong cuộc chiến chống tiền giả là việc phải làm ngay và làm một cách rốt ráo. Lý do vì sao thì mỗi quốc gia Việt Nam-Lào-Campuchia đều đã hiểu. Và trong cuộc đấu tranh này, ngân hàng là đơn vị chủ công nhưng nếu thiếu đi sự hợp tác chặt chẽ với Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Thuế… thì hiệu quả sẽ không cao. Phải đánh giá hết tầm mức nguy hiểm của nạn tiền giả thì mới có một chiến lược đồng bộ ngăn chặn và tiến tới tiêu diệt “thế lực đen” nguy hiểm này. 

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp cần nghiên cứu quy định về cơ chế giá, phí truyền tải

Xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp cần nghiên cứu quy định về cơ chế giá, phí truyền tải

(GLO)- Thường trực Chính phủ yêu cầu trong quá trình xây dựng nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác.
Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.