Cổ phần hóa doanh nghiệp: Chậm tiến độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Kế hoạch số 1302/SKHĐT-ĐKKD của Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai về việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đến tháng 4-2016 phải làm xong 3 đơn vị là: Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai và Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ. Tuy nhiên cho đến nay, tiến độ cổ phần hóa 3 đơn vị này vẫn còn đang ở những bước đầu tiên.

  Mùa thu hoạch tại Công ty Chè Bàu Cạn. Ảnh: H.D
Mùa thu hoạch tại Công ty Chè Bàu Cạn. Ảnh: H.D

Trong số 3 doanh nghiệp kể trên, tiến độ cổ phần hóa của Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ được so sánh với tốc độ “rùa bò”. Sau việc tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ đối với ông Nguyễn Quốc Huynh theo Quyết định số 250/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh do không nghiêm túc trong việc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xây dựng đề án sắp xếp doanh nghiệp, phương án sử dụng đất để xác định giá trị doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng tiến độ quy định, tới nay, Công ty hầu như chưa có động thái gì đáng kể. Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp chưa được tổ chức thẩm định do chưa phê duyệt phương án sử dụng đất. Phương án sử dụng lao động cũng chưa xây dựng xong. Phương án cổ phần hóa cũng chưa xây dựng. Tuy nhiên, hiện danh sách đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược đã được chốt và đang được xem xét lựa chọn để trình UBND tỉnh phê duyệt. “Việc hoàn thành cổ phần hóa đối với đơn vị này dự kiến còn rất lâu”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cổ phần hóa cho biết.

Đối với Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai thì tiến độ cổ phần hóa hơi chậm bởi nhiều lý do. “Tới thời điểm này, hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp vẫn chưa được tổ chức thẩm định vì chưa phê duyệt phương án sử dụng đất. Diện tích cà phê đơn vị quản lý nằm trên 3 huyện là Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah. Khi có thông báo sẽ cổ phần hóa công ty, các địa phương đã đề nghị xin một số diện tích đất để phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới, do vậy đơn vị phải điều chỉnh lại theo phương án sử dụng đất mới. Hiện phương án sử dụng đất đã gửi lên UBND tỉnh và chờ phê duyệt”-ông Võ Ngọc Hiếu-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai cho biết. Ông Hiếu cho biết thêm, theo đề án, dù là công ty cũ hay công ty đã cổ phần hóa thì quyền lợi và chế độ của người lao động vẫn luôn được đảm bảo, nhất là ưu tiên cho lao động người dân tộc thiểu số (sản lượng khoán sẽ thấp hơn so với lao động người Kinh khoảng 20-30%). Riêng hơn 500 ha cà phê tại huyện Chư Pah đang kém hiệu quả sẽ phải trồng tái canh và trong đề án cũng nêu rõ sẽ ưu tiên cho những lao động đang phụ trách hoặc con em của họ, bởi họ là những người đã gắn bó với Công ty rất lâu năm.

Làm tốt nhất trong 3 đơn vị là Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn. Hiện Công ty đã phê duyệt xong giá trị doanh nghiệp với tổng giá trị thực tế khoảng 166,52 tỷ đồng. Về phương án sử dụng đất, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có tờ trình đề nghị phê duyệt đề án sắp xếp công ty. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức thẩm định phương án sử dụng đất và trình UBND tỉnh phê duyệt. Phương án sử dụng đất sẽ được phê duyệt sau khi có quyết định phê duyệt đề án. Tổng số lao động của Công ty đến thời điểm cổ phần hóa là 337 người (không kể số lao động nhận khoán là 436 người) và số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 332 lao động, còn số lao động nhận khoán sẽ tiếp tục được giao khoán. Hiện tại, đơn vị tư vấn đã hoàn thiện các nội dung về phương án cổ phần hóa, tuy nhiên, do chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất nên chưa có cơ sở trình duyệt. Theo đó, vốn điều lệ của Công ty gần 121,57 tỷ đồng (bằng 100% vốn nhà nước đang có tại doanh nghiệp), tương đương 12.157.000 cổ phần. Giá khởi điểm dự kiến 10.000 đồng/cổ phần. Vấn đề lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hiện cũng đã chốt danh sách tham gia và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đang xem xét lựa chọn để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Nhận định về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, ông Hồ Phước Thành cho biết: “Không chỉ Gia Lai mà nhiều địa phương khác cũng bị chậm tiến độ. Bởi đối với doanh nghiệp nào mà việc cổ phần hóa có liên quan tới đất đai, tới người lao động đều phải được làm cẩn trọng, không thể chạy theo tiến độ để tránh sai sót và kiện tụng về sau. Việc kêu gọi các cổ đông chiến lược tham gia vào cổ phần hóa các doanh nghiệp cũng không khó, thậm chí có doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp bên ngoài”.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc cần thiết và phù hợp với sự phát triển chung. Tuy nhiên, bên cạnh việc đảm bảo đúng tiến độ thì còn phải đảm bảo chất lượng doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Có như vậy, cổ phần hóa mới thực sự đạt hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

(GLO)- Haiquanonline.com.vn cho biết, tháng 4-2024, cả nước nhập khẩu 11.565 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 255,6 triệu USD, giảm 27,1% về lượng, giảm 22,6% về kim ngạch so với tháng trước.

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Kbang. Ảnh Hà Duy

Giám sát đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kbang

(GLO)- Ngày 15-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Kbang về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.
Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.