Ia Pa: Lúa khô, đồng hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này về xã Ia Kdăm và Chư Mố (huyện Ia Pa) dễ dàng nhận thấy nhiều cánh đồng lúa 1 vụ của người dân bị cháy khô vì nắng hạn. Nguyên nhân là do việc sản xuất lúa 1 vụ này chỉ trông chờ vào nước trời. Khi thời tiết nắng hạn kéo dài, cây lúa rơi vào tình trạng thiếu nước, cháy khô.

Đắng lòng nhìn lúa cháy khô
 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Nhìn cánh đồng lúa bị cháy khô, Kpă Nuôi-Trưởng thôn Kdăm 1 (xã Ia Kdăm) buồn rầu: “Đến thời điểm đầu tháng 11 này, nếu thời tiết thuận lợi như mấy năm trước thì bà con trong làng đang tận hưởng niềm vui được mùa. Cuối tháng 7 vừa qua, trời liên tục có mưa, bà con tưởng nắng hạn đã chấm dứt nên tiến hành làm ruộng rồi sạ lúa. Nào ngờ, sau 2 tháng nắng nóng khốc liệt, khiến diện tích lúa của nhiều hộ dân sắp đến thời kỳ làm đòng lâm vào cảnh bị thiếu nước trầm trọng, cây không sinh trưởng được. Đến thời điểm này, cánh đồng lúa chỉ còn nước cắt cho trâu bò ăn thôi”.

Đứng trên bờ ruộng xót xa nhìn hơn 1 ha lúa đang chuyển sang màu vàng cháy, chị Ksor H’Uen, buôn Kdăm 2, xã Ia Kdăm, cho biết: “Gia đình tôi có 7 khẩu, hàng năm diện tích lúa 1 vụ này cũng đủ cung cấp lương thực cho cả nhà. Vụ lúa năm 2014, dù bị nắng hạn nhưng cũng thu được hơn chục bao lúa đủ ăn 4 tháng, còn năm nay do hạn nặng lúa bị chết cháy cả. Mất mùa, rồi đây chưa biết lấy gạo đâu để lo cuộc sống”.

Cùng chung nỗi buồn, Trưởng thôn Ksor Nai, làng Ama Hlăk, xã Chư Mố ngậm ngùi: Nhà mình có 2,2 ha lúa 1 vụ nhưng do nắng hạn đã bị cháy khô. Những năm trước thời tiết thuận lợi, 1 ha lúa thu được 7 tấn. Vụ lúa 2014, thời tiết tuy có khắc nghiệt nhưng cũng vớt vát 1 ha thu được khoảng 2 bao để làm giống. Đến vụ lúa 2015 này thì coi như mất trắng rồi; 3,6 triệu đồng tiền thuê máy cày làm đất, 120 kg lúa giống và tiền phân bón coi như đi tong, chưa kể công sức bỏ ra. Mình thấy chưa năm nào nắng nóng ở Ia Pa lại kéo dài như năm nay. Không riêng gì làng Ama Hlăk, 8 làng còn lại ở xã Chư Mố có lúa 1 vụ cũng đều chung cảnh ngộ, lúa bị cháy khô mất trắng. Bây giờ, bà con chỉ còn biết trông chờ vào cây mì. Hy vọng vụ mì 2015 sản lượng đạt cao, giúp nông dân chống đói.  

Loay hoay tìm hướng sản xuất mới

 

Cánh đồng lúa 1 vụ xã Ia Kdăm cháy khô vì hạn. Ảnh: Đinh Yến
Cánh đồng lúa 1 vụ xã Ia Kdăm cháy khô vì hạn. Ảnh: Đinh Yến
Ông Lữ Phúc Phong-Trường phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện ngày 10-11 Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các phòng: Kinh tế, Tài chính-Kế hoạch, Lao động-Thương binh và Xã hội đi kiểm tra tình hình hạn hán tại xã Nam sông Ba. Số diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại do hạn hán đang được xác minh cụ thể. 1.000 ha lúa bị hạn chỉ là số liệu báo cáo từ 2 xã Ia Kdăm và Chư Mố.

Gần 1.000 ha lúa 1 vụ, trong đó xã Ia Kdăm có 430 ha, Chư Mố 566,8 ha đã bị cháy khô, mất trắng vì nắng hạn. Trên thực tế, xã Ia Kdăm có hai trạm bơm đặt tại 2 làng: Plei Toan và Ia Kdăm 1 bơm tưới phục vụ gieo trồng. Vì có công suất nhỏ, chỉ tưới được 85 ha lúa gần khu vực đặt hai trạm bơm, còn lại việc sản xuất gieo trồng của người dân chủ yếu trông chờ vào điều kiện tự nhiên. Trao đổi với P.V, ông Bùi Thanh Định-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kdăm cho biết: 2-3 năm trở lại đây, thời tiết nắng hạn thất thường, 430 ha lúa 1 vụ của bà con trên địa bàn xã đều bị mất mùa. Trước tình trạng thiếu nước, UBND huyện Ia Pa đã nhiều lần khảo sát, lập hồ sơ gửi cấp trên phê duyệt phương án chặn dòng suối Plei Toan xây dựng hồ chứa, kinh phí khoảng 50 tỷ đồng; hoặc phê duyệt phương án xây dựng đập tràn ở suối Ia Kdăm, dự kiến khoảng 1 tỷ đồng. Theo thiết kế, khi hoàn thành 2 công trình trên sẽ cung cấp nước tưới cho 200 ha tại các thôn Kdăm 1 và 2, Plei Toan và thôn Bầu… Song 2 dự án trên đến thời điểm này vẫn chưa được phê duyệt.

Thời gian qua, xã Ia Kdăm đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức để vận động bà con sản xuất lúa 1 vụ chuyển sang trồng mía. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa người nông dân và Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai. Còn tại xã Chư Mố, trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Ksor Ju-Chủ tịch UBND xã Chư Mố cho biết: “Trước mắt, xã đang thống kê những diện tích lúa 1 vụ của bà con trên địa bàn bị mất trắng vì nắng hạn để đề nghị tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi một số diện tích sang trồng mía, một số diện tích khác thì tìm những cây con phù hợp thổ nhưỡng để giúp họ gieo trồng đạt hiệu quả. 

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.