Nhân rộng các mô hình khuyến nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và nhiều nguồn vốn khác, mỗi năm huyện Đak Đoa triển khai nhiều mô hình thử nghiệm giống cây trồng-vật nuôi và giúp người dân chuyển đổi giống, đa dạng hóa cây trồng. Từ đó, nhiều giống cây trồng năng suất cao, mô hình mới bước đầu được đưa vào trồng đại trà, đời sống người nông dân được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo…

  Phòng Nông nghiệp huyện Đak Đoa chuyển giao mô hình trồng cây đậu phụng xen với cây mì để vừa có hiệu quả và cải  tạo đất. Ảnh: Đức Thụy
Phòng Nông nghiệp huyện Đak Đoa chuyển giao mô hình trồng cây đậu phụng xen với cây mì để vừa có hiệu quả và cải tạo đất. Ảnh: Đức Thụy

Huyện Đak Đoa đã triển khai xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi ở xã Trang với thời gian 24 tháng (từ tháng 6-2012 đến tháng 5-2014), tổng kinh phí thực hiện là 1,77 tỷ đồng, trong đó, ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương 700 triệu đồng, ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh 400 triệu đồng, nhân dân đóng góp 670 triệu đồng; triển khai 6 mô hình trồng trọt và chăn nuôi cho nhân dân xã Trang như trồng cây đậu phụng L14, MD27 xen canh trong vườn mì; mô hình ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp; mô hình trồng cỏ VA06; mô hình trồng cây bơ ghép; mô hình nuôi cá trong ruộng lúa nước và chăn nuôi bò đực lai. Qua đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển và hiệu quả của từng mô hình đã được người dân hưởng ứng, nhân rộng. Cụ thể như mô hình trồng đậu phụng L14, MD27 xen canh trong vườn mì năng suất đạt khá cao 16 tạ/ha, giúp người dân tạo thêm thu nhập từ cây đậu phụng, vừa có tác dụng cải tạo đất và nâng cao năng suất vườn mì. Mô hình ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp đang được triển khai, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra còn có mô hình hỗ trợ bò đực lai để cải tạo đàn bò địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế và kết hợp với mô hình trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi…

Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện cũng triển khai mô hình trồng cây cà phê vối cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số quy mô 1 ha cho 3 hộ làng Đê Pơra, xã Đak Sơ Mei nhằm giúp họ chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp. Người dân được cấp 1.100 kg phân vi sinh, phân lân; 20 kg thuốc mối; 1.265 giống cây cà phê vối (kể cả trồng dặm) và hướng dẫn các hộ tham gia mô hình cách xử lý đất, trộn phân bón lót trước khi trồng. Hiện cây cà phê đang sinh trưởng và phát triển tốt, hình thành 3 cặp cành mới. Đồng thời, Trạm hỗ trợ 20.000 cây bời lời giống có 20 hộ làng Đê Pơra và Đê Sơ Mei (xã Đak Sơ Mei); triển khai mô hình trồng cây chuối mốc trên đất dốc quy mô 3 ha, cho 17 hộ các xã Trang, Hà Đông và Hnol; hỗ trợ giống rau xanh, bắp nếp chuyển đổi diện tích lúa nước thường xuyên bị hạn vụ Đông Xuân 2014-2015 với 66 kg rau xanh các loại: cải xanh, cải ngọt, cà tím, mồng tơi, rau dền, bí xanh, khổ qua và 2 ha bắp nếp cho người dân các xã Ia Băng, Ia Pết, A Dơk và thị trấn; triển khai mô hình nuôi bò lai sinh sản với hình thức chia sản phẩm tại hộ ông Nguyễn Văn Tiếp-làng Đê Gô, xã Đak Sơ Mei với 10 bò cái lai sinh sản và 1 bò đực lai giống Zebu và 2 sào cỏ VA 06 để bổ sung thức ăn cho bò với tổng kinh phí 210 triệu đồng, triển khai trong 5 năm. Ông Nguyễn Văn Tiếp-làng Đê Gô, xã Đak Sơ Mei, hộ trực tiếp nhận triển khai mô hình nuôi bò cho biết: Hiện đàn bò phát triển tốt, thích nghi với khí hậu và đã sinh 7 con bê con. Tổng giá trị đàn bò hiện tại khoảng 400 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với khi bắt đầu triển khai.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đak Đoa cho biết: Các chương trình và mô hình được thực hiện đúng đối tượng, xuất phát từ thực tế đề xuất của địa phương và nhu cầu của người dân. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trình diễn lúa nước, bò cái sinh sản lai, cấp giống rau xanh, bắp lai để người dân chuyển đổi vùng lúa nước thường xuyên bị hạn, mô hình ghép cải tạo vườn cà phê, bước đầu đã đem lại kết quả thiết thực cho người dân địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình nuôi bò lai sinh sản ăn chia sản phẩm, cải tạo vườn cà phê, trồng bời lời và cải tạo vườn tạp...

Mô hình khuyến nông huyện Đak Đoa đã tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đa đạng giống cây trồng-vật nuôi, nâng cao năng suất trên cùng diện tích, tăng thu nhập để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.