Vào mùa giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2014 trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào làm thiệt hại đến tài nguyên rừng là nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Duy trì và phát huy kết quả đạt được trên, công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2015 được cơ quan có trách nhiệm, chủ rừng xây dựng giải pháp phù hợp và triển khai thực hiện hết sức quyết liệt.

  Diễn tập chữa cháy rừng.
Diễn tập chữa cháy rừng.

Theo khảo sát sơ bộ của Chi cục Kiểm lâm thì có trên 342.032 ha rừng nằm trong vùng nguy cơ cháy cao, chiếm 48% diện tích rừng toàn tỉnh. Một số địa phương có diện tích rừng trồng xếp vào diện nguy cơ cháy cao như: Mang Yang, Đak Đoa, Kông Chro, Đak Pơ, Chư Pah và TP. Pleiku. Ngăn ngừa tình trạng thần lửa ghé thăm làm suy kiệt tài nguyên rừng, trước khi mùa khô bắt đầu, UBND tỉnh và cơ quan quản lý ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô.

Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm hoàn thành sớm việc thẩm định kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng năm 2015 của các đơn vị chủ rừng, các hạt kiểm lâm. Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô do Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì phối hợp với lực lượng Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, các ban phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện. Đặc biệt, để nâng cao khả năng ứng phó, xử lý tình huống thực tiễn cho lực lượng chuyên trách, Ban Chỉ huy Phòng cháy Chữa cháy rừng cấp tỉnh phối hợp với lực lượng liên quan tổ chức 2 đợt diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh tại 2 địa bàn có các kiểu địa hình khác nhau là TP. Pleiku và huyện Mang Yang.

Ông Nguyễn Đức-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết: Đơn vị hiện quản lý hơn 5.064 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên gần 2.026 ha, còn lại là rừng trồng thuộc địa bàn huyện Chư Pah và TP. Pleiku. Lâm phần đơn vị quản lý vào mùa khô thường xảy ra cháy rừng, điển hình là vụ cháy 411 ha rừng tại địa bàn huyện Chư Pah năm 2012 đã đặt công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bước vào mùa khô năm nay, trên cơ sở xác định 24 tiểu khu thuộc địa bàn huyện Chư Pah và TP. Pleiku là trọng điểm xảy ra cháy rừng nên đơn vị đã chủ động triển khai nhiều phần việc nhằm hạn chế thấp nhất thực trạng xảy ra cháy rừng.

Theo đó, đơn vị đã xây dựng phương án bố trí lực lượng trực bảo vệ rừng 24/24 giờ; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng địa phương gắn với chuẩn bị phương tiện, trang-thiết bị… sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra cháy rừng. Từ nguồn kinh phí được cấp 257 triệu đồng, đơn vị đã tiến hành xây dựng 22 km đường băng cản lửa; đốt trước có điều khiển trên 39 km.

Đặc biệt đã huy động lực lượng của đơn vị, các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng tiến hành đốt trước có điều khiển các khu vực trọng điểm xảy ra cháy rừng tại địa bàn huyện Chư Pah và TP. Pleiku. Quy trình đốt trước có điều khiển diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12 đối với rừng trồng chưa khép tán và rừng trồng khép tán chiều cao dưới 5 mét. Đối với rừng trồng đã khép tán có chiều cao trên 5 mét đã nuôi dưỡng tiến hành đốt trước có điều khiển từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Nhờ vậy, từ đầu mùa khô năm 2015 đến nay, lâm phần do đơn vị quản lý chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Long-Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm, điểm mới trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm nay là các chủ rừng phải xây dựng phương án chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Việc bắt buộc chủ rừng xây dựng phương án chữa cháy rừng không ngoài mục tiêu hạn chế thấp nhất tình trạng chủ rừng bị động và đứng ngoài cuộc khi lâm phần do mình quản lý xảy ra cháy.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng cân đối cho các chủ rừng đã giải quyết một phần bài toán thiếu kinh phí, giúp các chủ rừng chủ động hơn trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2015, do đó đến thời điểm này, diện tích rừng trên phạm vi toàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy nào.

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.