Ký ức về lễ mừng chiến thắng 30-4 đầu tiên ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc Việt Nam kéo dài suốt 21 năm. Cùng với nhân dân cả nước, ngày 30-4-1975 nhân dân các dân tộc Gia Lai đã tưng bừng tổ chức lễ mừng chiến thắng tại Sân vận động Pleiku. Đã hơn 40 năm trôi qua, song những ký ức về công tác đảm bảo an toàn cho buổi lễ mừng chiến thắng đầu tiên ấy ở Gia Lai vẫn nguyên vẹn trong tâm trí ông Phạm Đức Tấn-Phó Trưởng ban An ninh lúc bấy giờ.

Thật may mắn cho tôi khi được gặp người trực tiếp chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho buổi lễ mừng chiến thắng 30-4-1975 tại Gia Lai-ông Phạm Đức Tấn- tổ dân phố 5, phường Ia Kring (TP. Pleiku).

Tuy đã 84 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Nói về công tác bảo đảm an ninh trật tự cho buổi lễ trọng đại ngày ấy, ông bồi hồi nhớ lại: “Lễ mừng chiến thắng là ngày vui nhất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và lực lượng vũ trang nói chung, trong đó có lực lượng an ninh. Bởi thế anh em bừng bừng khí thế cách mạng tiến công không sao tả hết nỗi vui mừng, phấn khởi, hồ hởi của người chiến thắng nên coi việc được làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho buổi lễ là cơ hội có một không hai trong cuộc đời”.
 

Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung

Ông trầm giọng: Ngày đó, tình hình còn hết sức phức tạp. Khi lực lượng của ta vào thị xã Pleiku, toàn bộ Quân đoàn II của địch và địch ở thị xã Pleiku đã tan rã. Số sĩ quan, số có tội với nhân dân, công chức Ngụy quyền kéo theo gia đình tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Số binh sĩ còn rớt lại vô cùng run sợ, e ngại trước khí thế cách mạng của quân và dân ta ở các huyện lân cận mới được giải phóng nên nằm bất động nghe ngóng, không dám làm gì. Lực lượng Công an của tỉnh mới ở núi xuống có khoảng 150 người chuyên trách, trong đó có 32 cảnh sát. Lực lượng mỏng, chưa nắm rõ tình hình, chưa nắm hết số có nợ máu với nhân dân nên còn hết sức bị động. Để bảo đảm an toàn cho buổi lễ, Ban An ninh đã phải huy động lực lượng bán chuyên trách, lực lượng tại chỗ như: dân quân, du kích, số thanh niên giác ngộ, cùng lực lượng quân đội (Thị đội, Tỉnh đội) làm nhiệm vụ.

Theo quy định của tỉnh, ngoài thị xã Pleiku, các huyện lân cận mỗi huyện cử 3 ngàn người mang theo cờ, lân nhảy múa dọc đường về thị xã Pleiku, làm thế nào khoảng 7 giờ sáng 30-4 có mặt tại Sân vận động Pleiku. Tuy nhiên, do quá vui mừng nên một số huyện đi thừa quân số quy định. Đúng 7 giờ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều có mặt tại sân vận động. Số người dự mít tinh lên đến 2 vạn người, đứng chật sân song trật tự từ đầu đến cuối. Sau lễ mít tinh, các đoàn kéo đi diễu hành trên các đường phố lớn của thị xã Pleiku. Cuộc mít tinh diễn ra trang trọng và đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Việc bảo vệ trọn vẹn, an toàn tuyệt đối cuộc mít tinh lớn chưa từng có diễn ra tại thị xã mới giải phóng là một thành công lớn của ta. Thành công đó bắt nguồn từ công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chu đáo. Tuy anh em bảo vệ mới, lực lượng mỏng, vào thị xã chưa thông thạo địa hình nhưng trước và trong lễ chúng tôi đều phân công anh em theo dõi, nắm tình hình. Khi nhận được thông tin báo về có 1 khẩu pháo 105 ly để ngoài Chư Jô chĩa vào sân vận động và có 1 toán biệt kích từ phía xã Gào đi vào đang dừng chân ở Pleiku Roh, Ban An ninh đã cử anh em đi xác minh ngay và khẳng định thông tin không chính xác. Tuyến ngoài sân vận động, ở tất cả các ngả đường, ta đều bố trí lực lượng để theo dõi, giám sát động tĩnh của các lực lượng đối lập và của địch. Tuyến Pleiku Roh, ngoài Biển Hồ vào, phía Trà Bá xuống, phía xã Gào vào đều có lực lượng dân quân, du kích xen kẽ với lực lượng Công an làm nhiệm vụ. Trên nóc các nhà cao tầng xung quanh Sân vận động cũng bố trí người quan sát. Tuyến trực tiếp trong Sân vận động có cả lực lượng Quân đội và Công an bảo vệ. Đặc biệt khu khán đài Đoàn Chủ tịch buổi lễ đều có lực lượng đứng sau để có thể xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Mới đó mà đã hơn 40 năm! 

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm