Tăng cường quản lý hoạt động các đại lý internet

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong năm 2007, ngành chức năng tiến hành kiểm tra 296/307 đại lý internet trên địa bàn toàn tỉnh thì có tới 34 đại lý vi phạm (chiếm 11,07%); năm 2008 trong số 323/369 đại lý internet được kiểm tra đã phát hiện và xử phạt hành chính 24 đại lý vi phạm (chiếm 6,5%). Riêng quý I-2009, kiểm tra tại phường Tây Sơn, Ia Kring, Yên Thế (TP. Pleiku) đã phát hiện 10/37 đại lý vi phạm.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng- Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông: “Lỗi vi phạm thường gặp ở các đại lý internet chủ yếu là mở cửa quá giờ quy định, để khách truy cập vào trang web đồi trụy. Hay hệ thống thiết bị, phần mềm thực hiện ngăn chặn website xấu không đạt yêu cầu”.

Khách hàng của các quán Net chủ yếu là trẻ em. Ảnh: Lê Lan
Khách hàng của các quán Net chủ yếu là trẻ em.       Ảnh: Lê Lan
Trước thực trạng đó, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực internet như: Chỉ thị 09/2006/CT-UBND của UBND tỉnh về việc “Tăng cường quản lý tần số vô tuyến điện, viễn thông và internet trên địa bàn tỉnh Gia Lai”; Quyết định số 31/2006/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh về “Quy chế quản lý, cung cấp dịch vụ internet trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Và mới đây nhất là Chỉ thị 09/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đảng với đối với hoạt động kinh doanh và sử dụng dịch vụ internet trên địa bàn tỉnh”. Đặc biệt, trong tháng 5-2009, đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đã tiến hành giám sát về tình hình quản lý Nhà nước đối với các đại lý kinh doanh dịch vụ internet. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh dịch vụ internet đã có nhiều chuyển biển tích cực.

Dù vậy, vẫn còn một số vấn đề đáng bàn, đó là công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Việc quản lý về internet còn buông lỏng, nhất là ở các huyện, thị xã chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Bên cạnh đó, các đoàn thể, nhà trường và gia đình chưa quan tâm đúng mức. Qua khảo sát có tới 90% đối tượng là thiếu niên vào quán net, chủ yếu là để chơi game online. Hệ lụy từ game online đã phát sinh nhiều mặt trái, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, tệ nạn xã hội tạo ra lo lắng, bất an cho nhiều gia đình và nhà trường… Ngoài ra, một số quy định đối với các đại lý kinh doanh dịch vụ internet khó thực hiện như ghi lại thông tin của khách hàng vào sổ. Nhiều chủ đại lý đã ghi đối phó, thậm chí chỉ với tên và chứng minh thư của một người nhưng cùng lúc sử dụng nhiều máy…
Toàn tỉnh hiện có 16.845 thuê bao internet (trong đó: ADSL: 16.024 thuê bao), tỷ lệ thuê bao internet đạt 1,37 thuê bao/100 dân, số người dân sử dụng internet đạt tỷ lệ 8%.
Nói về các giải pháp quản lý dịch vụ kinh doanh internet nhằm hạn chế những hệ lụy phát sinh từ game online, ông Trần Ngọc Nhung- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông cho biết: “ Đây là vấn đề cần có sự quan tâm của toàn xã hội, của ngành Giáo dục và các đoàn thể... Đặc biệt là sự quan tâm, quản lý sâu sát của các bậc cha mẹ đối với con em mình. Về mặt quản lý nhà nước, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kể cả ở các huyện. Trước đây, hàng năm chỉ kiểm tra được một phần các đại lý internet trên địa bàn tỉnh. Nhưng từ nay về sau sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ, ít nhất mỗi đại lý được kiểm tra 1 lần trong năm. Trường hợp đại lý vi phạm lặp lại những vi phạm trước đó, sở sẽ đề nghị các đơn vị cung cấp rút đường truyền và thu hồi giấy phép kinh doanh…”.
Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm