Học sinh sử dụng xe gắn máy đến trường: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ trong một thời gian ngắn, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh sử dụng xe gắn máy đến trường. Điều này đặt ra vấn đề quản lý, nhắc nhở học sinh khi tham gia giao thông. 
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), chỉ riêng TP. Pleiku đã có trên 15.000 phương tiện xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 ký hiệu BKS 81AA và 81BB (không kể xe đời cũ). Phần lớn lượng xe này do gia đình mua cho con em mình đi lại. Việc học sinh THPT sử dụng xe gắn máy có dung tích phù hợp đến trường là nhu cầu bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, một số em không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, điều khiển xe dàn hàng ngang...
“Tôi thường đón con ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Mỗi lần thấy các cháu học sinh, nhất là học sinh nam chạy từng tốp là tôi rất ngại. Nhiều cháu đi xe máy chạy dàn hàng ngang, vừa đi vừa đùa giỡn với nhau, rất nguy hiểm”-ông Lê Văn Quang (tổ 4, phường Ia Kring, TP. Pleiku) nói.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tuyên truyền về tham gia giao thông an toàn cho học sinh tại xã Ayun (huyện Mang Yang). Ảnh: Hải Lê
Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tuyên truyền về tham gia giao thông an toàn cho học sinh tại xã Ayun (huyện Mang Yang). Ảnh: Hải Lê
Dư luận rất bức xúc trước sự việc thầy Phó Hiệu trưởng của một trường THCS trên địa bàn thành phố bị xe máy của 2 em học sinh trường khác va chạm khiến bị thương nặng. Đáng nói, sau khi gây tai nạn, 2 học sinh này đã bỏ mặc nạn nhân. Sau nhiều giờ tích cực tìm kiếm dựa trên dữ liệu hình ảnh trích xuất từ camera, 2 học sinh này mới đến trình diện và thăm hỏi, xin lỗi nạn nhân. Vào trưa 8-12, một vụ tai nạn giao thông giữa hai xe gắn máy, trong đó có một xe do học sinh điều khiển xảy ra trước nhà số 13 Tô Vĩnh Diện (TP. Pleiku) khiến 1 phóng viên VTV5 tử vong khi cấp cứu tại bệnh viện. Ngoài ra, còn không ít các vụ va chạm nhẹ và tai nạn giao thông khác liên quan đến học sinh.
Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Hiện vẫn còn tình trạng học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường hoặc điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng…
“Đầu năm học, Phòng Cảnh sát Giao thông đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền đến các đơn vị trường học lồng ghép trong lễ khai giảng năm học mới hay các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa... Theo đó, Công an tỉnh và Công an các địa phương bố trí lực lượng đến từng trường học trên địa bàn để tuyên truyền cho nhà trường, học sinh và phụ huynh các quy định về Luật Giao thông Đường bộ, đặc biệt là kỹ năng tham gia giao thông an toàn, xây dựng cổng trường an toàn giao thông (ATGT)”-Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh nói.
Gia đình, nhà trường cần quan tâm, nhắc nhở thường xuyên con em mình về vấn đề sử dụng xe gắn máy đến trường. Ảnh Hải Lê
Gia đình, nhà trường cần quan tâm, nhắc nhở thường xuyên con em mình về việc sử dụng xe gắn máy đến trường. Ảnh: Hải Lê
Lứa tuổi học sinh vốn hiếu động, thậm chí là bốc đồng nên khó tránh khỏi những hành vi gây mất ATGT. Nguy hiểm hơn là kỹ năng lái xe của các em còn hạn chế do chưa được tham gia đào tạo, sát hạch lái xe. “Bởi vậy, nhà trường và phụ huynh phải thường xuyên quan tâm, nhắc nhở và căn dặn con em mình phải tham gia giao thông an toàn. Đặc biệt, phụ huynh không nên chủ quan giao xe phân khối lớn cho con em khi các cháu chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện”-Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh nhấn mạnh.
Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-thông tin: Tình trạng học sinh sử dụng xe gắn máy phân khối lớn đến trường thi thoảng vẫn xảy ra tại một số trường THPT trên địa bàn, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa. “Ban ATGT tỉnh thường xuyên phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo ATGT học đường, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc không cho học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Thực tế, nhiều trường không cho học sinh đi xe phân khối lớn vào trường nhưng các em vẫn lén gửi phía bên ngoài trường học”-ông Hiếu nói.
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm