Tháng Tám: Trên quê hương cách mạng Tân Trào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) 41 km, Khu Di tích Văn hóa-Lịch sử và Sinh thái quốc gia Tân Trào-nơi gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng ghi lại những sự kiện lịch sử hào hùng của ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với 17 di tích ghi dấu ấn cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta suốt 9 năm trường kỳ như: lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái… khu di tích Tân Trào đã và đang trở thành tâm điểm của những chuyến du lịch về nguồn của mỗi người con đất Việt.

Dẫn chúng tôi đến thăm lán Nà Nưa, chị Lành Thị Kiên-hướng dẫn viên du lịch cho biết: Đây là nới được du khách đến thăm đầu tiên mỗi khi đặt chân tới khu di tích. Bởi đây là nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8-1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Theo phân tích của Bác, vị trí này vừa gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến và tiện đường thoái. Nhất là những lúc nguy cấp, có thể men theo chân dãy núi Hồng để đến Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, đi biên giới và các tỉnh khác. Và chính tại căn lán này, ngày 4-6-1945, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập Khu giải phóng và thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân Giải phóng, tiến tới Quốc dân Đại hội, Tổng khởi nghĩa.

 

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai tham quan đình Tân Trào.              Ảnh: H.T
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Gia Lai tham quan đình Tân Trào. Ảnh: H.T

Thật cảm động khi được nghe những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt của Bác thời gian đó. Bằng chất giọng ấm áp và truyền cảm của mình, cô gái dân tộc Tày đã đem đến cho du khách cảm giác như mình đang xem lại những thước phim quay chậm về những hoạt động của Bác tại đây: Căn lán này được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Tày dưới các tán cây rậm rạp, lợp lá cọ, gồm 2 gian rộng chưa đầy 12 m2, gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi và gian ngoài là nơi Bác tiếp khách. Bên phải căn lán là chiếc bàn đá được Bác sử dụng để làm việc. Chỗ ngủ của Bác chỉ là một cái giường làm bằng vầu, giống như chiếc chõng. Vì phải sống và làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn nên có thời gian Bác bị sốt rét rất nặng. Cũng chính tại nơi đây, vào một đêm cuối tháng 7-1945, giữa hai trận sốt rét, Bác đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”…

Rời lán Nà Nưa, chúng tôi đến thăm đình Tân Trào. Trước khi vào đình, chúng tôi đến những gốc đa phía trước khu di tích, trong đó, có cây đa Tân Trào. Chị Lành Thị Kiên cho hay: “Dưới gốc cây đa này, chiều 16-8-1945, Quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Sau khi đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1, Quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội”.

Cách cây đa Tân Trào chừng 500 mét, đình Tân Trào hiện ra vững chãi với kiến trúc nhà sàn của dân tộc Tày được làm bằng cột gỗ 3 gian 2 chái, sàn lát ván, mái lợp lá cọ. Đây vốn là nơi thờ Thành hoàng của làng và cũng là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng Tân Lập được xây dựng vào năm 1923. Chính mái đình này đã bảo vệ, che chở 60 đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc về họp Quốc dân Đại hội vào ngày 16-8-1945. Trong sự kiện lịch sử này, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định Quốc kỳ, Quốc ca và cử ra Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng 17-8-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt quốc dân tại nơi này.

Ngoài những di tích trên còn có thể kể đến di tích làng Tân Lập-nơi Bác ở và hoạt động cách mạng hiện đã được bảo tồn để phát triển du lịch theo hướng Home stay (du lịch cộng đồng). Hiện nay, làng văn hóa Tân Lập có 20 gia đình được hỗ trợ làm mô hình nhà sàn bê tông giả gỗ. Trong đó có khoảng 10 gia đình làm dịch vụ du lịch dành cho khách nghỉ và ăn uống tại gia đình với sức chứa khoảng 30-40 người/nhà. Mỗi năm làng thu hút và neo giữ hàng trăm ngàn bước chân của du khách mỗi khi đặt chân đến. Tiếp đến là ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Sự-Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long-nơi đầu tiên Bác sống trước khi rời lên lán Nà Nưa; đình Hồng Thái-nơi dừng chân đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi Người từ Pác Bó (Cao Bằng) về căn cứ địa cách mạng Tân Trào (ngày 21-5-1945); hang Bòng-nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chỉ đạo chiến dịch biên giới 1950 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951 và một số di tích khác cũng mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng nước nhà và hiện đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách như bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, vực Thia, lán Cảnh vệ….

Cùng đoàn gia đình chính sách tiêu biểu tỉnh Nghệ An về thăm Tân Trào, ông Cao Chí Phượng- cựu chiến binh tiêu biểu tỉnh Nghệ An xúc động: “Đến với khu di tích Tân Trào, tôi rất cảm động vì không chỉ được tham quan nhiều di tích mà còn được hiểu kỹ hơn về những sự kiện lịch sử cách mạng nước nhà. Đặc biệt, được nghe những câu chuyện xung quanh cuộc sống của Bác tại thủ đô kháng chiến, tôi mới hiểu hết được những đóng góp, hy sinh cao cả của Bác đối với độc lập tự do của dân tộc. Và có lẽ, đây không chỉ là chuyến đi duy nhất, nếu còn sức khỏe, tôi sẽ còn quay trở lại di tích lịch sử này”.

Nguyễn Dung-Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm