(GLO)- Năm 1983, trong chuyến đi phản ánh những hoạt động của đoàn đồng chí Trường Chinh-Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước vào công tác tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum, trong đó có nội dung đồng chí Trường Chinh vào thăm Anh hùng Núp tại nhà riêng, tôi ghi được chuyện Anh hùng Núp sang thăm Cu Ba, gặp gỡ, kết nghĩa với Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô. Sau đó, tôi quay lại hỏi cho rõ ngọn ngành, được Anh hùng Núp kể thêm nhiều chuyện. Đáng nhớ nhất là chuyện thu chiến lợi phẩm trong dịp Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Anh hùng Núp. Ảnh: N.Q.T |
...Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), thực tế nhiều người dân địa phương không hiểu người Nhật là ai, tốt xấu như thế nào. Ngay cả anh Núp cũng hiểu lơ mơ, vì thấy Nhật chỉ ở trong đồn Ka Nak, thỉnh thoảng mới đi ra ngoài, đeo kiếm, cưỡi ngựa, có đứa còn trẻ mà để ria mép, không giết người, không cướp trâu, bò, heo, gà, đốt nương rẫy như người Pháp. Không chỉ anh Núp mà K’Nuh-người bạn thân trong làng Stơr cũng vậy. Một hôm vào gần trưa, K’Nuh mình trần chạy từ rẫy về tìm anh Núp, vừa nói vừa hổn hển thở:
- Núp à, có một thằng Pháp vào chòi rẫy nhà mình tìm ăn. Nó lấy hết bắp nướng của mình rồi chạy biến vào rừng rồi. Nó có súng, thấy mình mà không bắn.
- Cái mắt của mày rõ không?
- Mắt mình có mù đâu!
Anh Núp đoán ngay thằng Pháp này trốn khỏi đồn vì sợ Nhật bắt, liền đưa cho K’Nuh một chiếc ná, mình một chiếc ná, vòng chạy đón đầu thằng Pháp. Đến bờ suối cạnh gốc cây lớn, anh Núp và K’Nuh mỗi người chia nhau phục kích một chỗ đón đợi. Một lúc sau, thằng Pháp chui từ đường mòn ra, lưng đeo súng trường, tay khư khư ôm mấy trái bắp nướng vừa lấy ở chòi rẫy của K’Nuh. Đến gốc cây, nó ngồi lại để ăn. Lúc đầu, anh Núp định bắn, nhưng nghĩ sao lại thôi. Cả anh Núp và K’Nuh đều bất ngờ nhảy ra, dí mũi ná vào ngực thằng Pháp khiến nó không kịp phản ứng, phải giơ tay đầu hàng. Hai người đè ngửa thằng Pháp, tước súng, trói tay, dẫn ra đường lớn. Thằng Pháp ở lâu tại địa phương, biết chút ít tiếng Bahnar, cúi đầu van lạy:
- Đừng giết tôi. Tôi còn có vợ con ở Pháp. Con tôi còn bé lắm.
Anh Núp bảo K’Nuh đưa thằng Pháp đi chỗ khác, còn mình thì đem khẩu súng trường và 2 băng đạn cất vào chỗ bí mật để dùng khi cần thiết. Xong xuôi đâu đấy, anh Núp quay lại chỗ K’Nuh và thằng Pháp đang đứng. Hai người tìm cách xử lý thằng Pháp, giết nó thì không nên, thả nó ra cũng không được, thôi thì cứ nộp cho Nhật, nó làm thế nào kệ nó.
Biết tin anh Núp và K’Nuh bắt được thằng Pháp, dân làng Stơr kéo ra đường xem tận mặt thằng Pháp mắt xanh mũi lõ như thế nào mà trước đây nó ác thế.
Đến gần đồn, anh Núp bảo K’Nuh giải thằng Pháp vào, còn mình thì ngồi ở một chỗ quan sát. Một lúc sau, K’Nuh chạy ra, mặt cắt không còn giọt máu:
- Núp ơi! Có thằng Nhật còn định giết mình. Nó đã giơ súng lên, sau nghe một thằng nói gì đó, nó lại hạ súng xuống. Ra đến cổng, một người Việt nói tiếng Bahnar bảo mình cả Pháp và Nhật đều là kẻ cướp nước, ác độc như nhau.
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: K.N.B |
Sau đó, anh Núp quay lại lấy khẩu súng đem về báo cáo với anh em trong đội du kích nhưng chưa biết cách sử dụng. Một hôm, có anh cán bộ người Kinh ở Bình Định lên, thấy vậy liền hướng dẫn Núp sử dụng súng. Phát đạn đầu tiên, anh hạ gục một con cọp dữ trừ họa cho dân làng, từ đó trở đi không còn sợ cọp nữa.
Tháng 8-1945, có tin dân ta ở nhiều nơi từ Bắc đến Nam đứng lên khởi nghĩa phá đồn Nhật và tay sai, bắt chúng phải đầu hàng, lập chính quyền do nhân dân làm chủ. Hồi đó, trong sinh hoạt đội du kích, anh Núp đã nghe cán bộ cách mạng nói đến Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nói tới quân Đồng Minh, phe ta là Liên Xô đang chiến đấu chống phát xít Đức, phát xít Nhật, phát xít Ý. Dân làng Stơr tập hợp lại, cả gái và trai, người lớn tuổi, trẻ nhỏ, tay gậy, tay ná, đứng theo đội hình, nghe truyền lệnh sẵn sàng chiến đấu.
Chiều 19-8-1945, bà con làng Stơr do anh Núp mang súng chỉ huy cùng dân các làng khác rầm rộ lên chiếm đồn Ka Nak. Lên đến nơi, chúng đã rút sạch, để đồn trống trơn. Một thanh niên cưỡi ngựa từ An Khê phóng về hét lớn:
- Lũ làng ơi! Hãy cùng nhau lên An Khê cướp đồn Nhật thôi. Thời cơ đến rồi đó!
Người thanh niên mang xuống một cuộn cờ đỏ sao vàng đưa cho anh Núp phân phát cho bà con. Anh Núp khoác súng, phất cao cờ đỏ sao vàng, hùng dũng dẫn đầu đoàn làng Stơr lên An Khê. Đến sáng 20-8, dân làng Stơr nhập với Đoàn Thanh niên và quần chúng đứng lên khởi nghĩa chiếm đồn bảo an và trụ sở huyện lỵ, buộc Huyện trưởng Phan Sĩ Sàng phải ngoan ngoãn bàn giao chính quyền và lực lượng bảo an giao nộp toàn bộ vũ khí cho chính quyền. Chính quyền cách mạng lâm thời được thành lập, gồm các ông Trần Sanh, Bùi Thế Viện, Đỗ Trạc, Trần Thông…, kêu gọi quần chúng ủng hộ cách mạng. Sau đó, lực lượng cách mạng tỏa về vùng phụ cận tổ chức mít tinh biểu dương lực lượng, tịch thu triện đồng của bọn chức sắc chính quyền thôn xã. Sáng 22-8, đoàn quân khởi nghĩa An Khê có lực lượng vũ trang tự vệ yểm trợ, do các ông Trần Sanh, Trần Thông dẫn đầu tiến về giành chính quyền ở tỉnh lỵ Pleiku.
Nhớ lại những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Anh hùng Núp nói mình thật hạnh phúc. Khẩu súng chiến lợi phẩm mà ông thu được của tên Pháp năm ấy đã được dùng trong suốt 9 năm kháng chiến, lập nên chiến công huy hoàng như mọi người đã từng biết.
Lê Văn Thiềng