(GLO)- Từ năm học 2007-2008, chủ trương phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS và THPT được ngành Giáo dục-Đào tạo phát động rộng rãi trong các trường phổ thông cả nước.
Theo đó, nhiều địa phương đã thường xuyên chỉ đạo, ngay từ tháng 4 hàng năm, các ban hướng nghiệp của nhà trường phải hoàn thành việc phân loại học sinh, mời phụ huynh đến trường để thông báo, hướng dẫn việc chọn nghề nghiệp, giới thiệu các loại hình trường chuyên nghiệp, đào tạo nghề ở địa phương để giúp các em và cha mẹ học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai cho con em mình.
Tuy nhiên, trong thực tế có một lực cản lớn là đa phần phụ huynh, nhất là các gia đình có điều kiện kinh tế luôn muốn con em họ được tiếp tục học lên để có bằng cấp cao cho “bằng chị bằng em”, được xã hội trọng vọng, còn việc làm như thế nào, có phù hợp với năng lực của các em hay không thì hạ hồi phân giải(!). Đó là một điều đáng buồn mà nhiều năm qua, tâm lý sính bằng cấp ở xã hội ta vẫn còn nặng nề. Trong khi đó, các con số thống kê dự báo thất nghiệp mỗi năm ở đối tượng có bằng cấp từ đại học trở lên cứ tăng dần. Hiện tượng “thừa thầy thiếu thợ” đang diễn ra trong thực tế dường như chưa có điểm dừng.
Nhiều học sinh đã chọn học nghề thay vì học lên cao. Ảnh: Đức Thụy |
Một số nhà giáo nhận xét rằng, tuy chủ trương phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục được chú trọng, nhưng thực tế, các trường phổ thông ở nhiều địa phương thường làm chiếu lệ, thiếu bài bản. Nhiều nơi không đúc kết, rút kinh nghiệm hàng năm để huy động sự phối hợp của các ngành liên quan cùng các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tham gia; đặc biệt là làm chuyển biến về nhận thức của phụ huynh và bản thân các em học sinh. Các giáo viên chủ nhiệm cần chân thành góp ý, giúp đỡ những học sinh có học lực trung bình trở xuống, chú ý các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để các em xác định hướng rẽ ngang học nghề hoặc vào các trường trung cấp nghề phù hợp với sở thích, sở trường từng em. Ngay từ bậc THCS, nếu xét thấy học sinh không vào được các trường THPT công lập một cách tự tin thì hướng các em nên vào các trường đào tạo nghề có học chương trình bổ túc văn hóa để sau 3 năm, bản thân các em vừa có chứng chỉ nghề nghiệp và có bằng tốt nghiệp văn hóa phổ thông. Ra trường, các em có việc làm giúp đỡ gia đình, vừa có thể đăng ký học lên theo nghề nghiệp của mình. Như vậy, các em không phải lãng phí thời gian, tiết kiệm được kinh phí gia đình, vừa sớm tìm được việc làm, có thu nhập, tạo dựng cuộc sống ổn định.
Công tác hướng nghiệp phải thực sự đi vào tâm lý của học sinh và phụ huynh, làm cho đối tượng thấy được con đường để thành đạt không phải là ở người có bằng cấp cao mà ở giá trị lao động. Để có hạnh phúc cho chính mình, không phải chỉ ở sự thành công trên con đường học vấn mà ở các chỉ số hài lòng trong công việc và cuộc sống. Vài năm lại đây, theo khảo sát của một số địa phương cho thấy, có khoảng 30% học sinh sau THCS đã chọn con đường rẽ ngang, không học lên THPT mà đi vào học nghề, hoặc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Với học sinh tốt nghiệp THPT, có khoảng 35% các em vào học các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Đó là dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, để công tác phân luồng, hướng nghiệp đi vào thực chất, đạt hiệu quả như mong muốn thì các cơ sở dạy nghề, các trường chuyên nghiệp địa phương phải tự nâng cao chất lượng đào tạo với ngành nghề thích hợp, liên kết để tạo ra thị trường lao động đa dạng, giúp các em có việc làm ổn định sau khi ra trường. Đó là điểm mấu chốt để làm “bà đỡ” cho các em tự tin khi quyết định cho con đường tương lai của mình.
Hoàng Linh Việt