(GLO)- Từ nhiều tháng nay không ít đối tượng đưa xe cộ, máy móc dựng lều khai thác cát dọc sông Ia Mơr (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) bán cho công trình thủy lợi Ia Mơr. Với sức tiêu thụ hàng vạn m3 cát xây dựng, cát được tập kết về đây chất cao như núi. Thế nhưng không doanh nghiệp nào được phép khai thác cát ở Ia Mơr.
Điều bất thường ở bãi khai thác cát
Thấy nhiều đống cát cao ngất được lấy từ sông, suối Ia Mơr lên, chúng tôi làm việc với ông Rơ Lan Chim-Chủ tịch UBND xã Ia Mơr về nguồn gốc số tài nguyên này. Ông Chim gọi ông Đào Xuân Hùng-cán bộ phụ trách Tài nguyên-Môi trường xã đến. Ông Hùng cho rằng: Thời gian trước, có một số doanh nghiệp khai thác cát ở đây là Công ty TNHH Thảo Mộc (huyện Ia Grai, Gia Lai), Công ty TNHH Hưng Long, Công ty TNHH Thanh Phụng, Công ty TNHH Vạn Kim và hộ cá thể là ông Dương Văn Thương. Hiện nay, họ không khai thác nữa mà thu gom chở về. Số lượng đã khai thác hay thu gom thế nào thì xã không biết.
Cát đang được khai thác ở sông Ia Mơr song chính quyền địa phương không biết. Ảnh: Hoàng Dũng |
Nhận thấy có điều không bình thường vì không được phép khai thác nhưng nhiều xe tải vẫn đang ùn ùn chở cát từ bãi sông Ia Mơr về công trình thủy lợi, chúng tôi đề nghị UBND xã đưa đi xem tình hình thực hư thế nào. Chủ tịch UBND xã cử người dẫn chúng tôi đến hiện trường. Trên đoạn đường từ xã ra các điểm tập kết cát lậu, ông Hùng thường xuyên nhắn tin cho ai đó. Khi chúng tôi ra gần nơi khai thác cát thì hàng chục xe tải chạy ngược trở lại, trên xe không có hạt cát nào. Đến một điểm sát mép sông Ia Mơr, dấu vết xe máy múc cát còn mới nguyên nhưng xe không thấy đâu. Chúng tôi nhìn quanh ra xa phát hiện một xe múc được giấu dưới lùm cây, tài xế xe nhanh chóng bỏ đi. Đến xem thì xe đã tháo biển số.
Nhìn những dấu vết cát mới múc, có đống bên mép sông Ia Mơr, có đống vun lại ngay dưới lòng sông mùa cạn chưa kịp vận chuyển như vậy song ông Hùng khăng khăng rằng cát này lấy lên từ năm 2008-2009. Ông Hùng bảo đây là của Công ty TNHH Thảo Mộc. Ở một điểm khác, chiếc xà lan mùa khô đang nằm chỏng chơ trên bờ, trong khi dưới mép sông đang là điểm hút cát mà theo ông Hùng là của doanh nghiệp Hưng Long vừa ủi đường cho xe ô tô xuống chở cát và một lều công nhân đang ở, song tại đây chỉ có một người ngồi trông coi còn máy hút vừa kịp tập kết đi nơi đâu không rõ.
Chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Thảo Mộc thấy cửa đóng then cài, nhà cửa hoang hóa. Theo số điện thoại ghi trên biển công ty trước nhà mà gọi, đầu dây bên kia bảo rằng ông đang ở xa, doanh nghiệp ông đã nghỉ nhiều năm rồi.
Ai bảo kê cho “cát tặc”?
Theo Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Chư Prông, trên địa bàn xã Ia Mơr chỉ được phép khai thác cát trong năm 2010. Từ đó đến nay, không có doanh nghiệp nào có chức năng khai thác cát. Việc có đối tượng khai thác cát ở Ia Mơr, Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện không biết. Vừa rồi họp giao ban, có ông Hùng cán bộ Tài nguyên-Môi trường xã Ia Mơr song không nghe báo cáo. Lãnh đạo phòng này khẳng định từ năm 2010 đến nay các doanh nghiệp này đã hết giấy phép, UBND tỉnh chưa cho doanh nghiệp nào khai thác cát trên địa bàn Chư Prông nói chung và Ia Mơr nói riêng.
Cán bộ Tài nguyên-Môi trường Ia Mơr lúc thì bảo với chúng tôi các đối tượng thu gom cát là của Công ty TNHH Thảo Mộc, rồi Công ty TNHH Hưng Long, rồi hộ cá thể ở xã Ia Lâu… Tuy nhiên khi chúng tôi yêu cầu cung cấp tài liệu, giấy phép khai thác cát của những doanh nghiệp này thì ông bảo chỉ xem qua khi họ đến chở cát chứ không giữ giấy tờ gì.
Ảnh: Hoàng Dũng |
Một cán bộ ở Ban Quản lý dự án hồ chứa nước Ia Mơr cho biết, theo báo cáo của các đơn vị thi công hiện lượng cát tập kết về công trình đã hơn 40.000 m3. Đây đều là cát từ suối Ia Mơr. Chúng tôi đề nghị cung cấp các hợp đồng hay hóa đơn của các doanh nghiệp cung ứng lượng cát này, song đã chục ngày trôi qua, các doanh nghiệp thi công ở đây vẫn thoái thác.
Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Từ nhiều năm nay, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, cát sỏi lòng sông. Chỉ thị 06 của UBND tỉnh cũng nói rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp để xảy ra các hoạt động khai thác khoáng sản lậu.
Được biết, công trình thủy lợi Ia Mơr cần khoảng 300.000 m3 cát, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Tỉnh liệu có thu được nguồn thuế tài nguyên từ hoạt động khai thác loại khoáng sản này?
Hoàng Dũng