Giữa lòng thị xã Ayunpa (tỉnh Gia Lai) có một nông trại chăn nuôi nhiều loại con: gà, vịt, ngan, ngỗng, chuột, thỏ, dế. Trợ lý giúp thu dọn vệ sinh đắc lực cho nông trại này, là một cặp trăn khổng lồ!
|
Con trăn cái nặng khoảng 1 tạ. Ảnh Phạm Đức |
Anh Phạm Văn Nhất (sn 1972) chủ trang trại cho biết: năm 2009, mấy anh em nhà anh đi chơi gặp người ta bán cặp trăn con, thấy hay hay nên mua về nuôi thử. Không ngờ càng nuôi càng gắn bó, và càng thấy ... hay hơn mọi tưởng tượng ban đầu.
|
Trăn to nhưng rất hiền |
Đây là loài trăn đất, rất dễ nuôi, cứ ăn no là ngủ. Thức ăn của nó cực kỳ đơn giản: Các vật nuôi trong nông trại, con nào đau ốm, chết, hoặc bị sao, thả vào chuồng, trăn chén tất. Đến nay cặp trăn đã hơn 9 tuổi, dài hơn 7 mét, nặng khoảng 100 kg.
Từ 5 tuổi, trăn cái bắt đầu trưởng thành nên anh Nhất cho mỗi con sống riêng 1 chuồng. Mỗi lần phát dục, đôi trăn chỉ cần "động phòng" khoảng 4 đêm. Sau nhiều lần sinh nở, trăn cái đã nở nang, to nặng hơn trăn đực cả chục ký.
|
Trứng trăn to, vỏ mềm, mỗi lứa trăn đẻ tới 70-80 trứng |
Trước chuồng trăn, bên kia lối đi ra vườn, là đầm nước nhỏ. Mùa hè, ngày nóng, mỗi ngày anh Nhất mở cửa chuồng, trăn lập tức trườn xuống đầm, lăn lộn tắm mát chừng 20 phút rồi tự giác bò lên chuồng trên một chiếc thang chuyên dùng gác sẵn.
|
Trăn khổng lồ âu yếm với chủ nuôi trước khi trườn xuống đầm tắm mát |
Không chỉ tích cực vệ sinh chuồng trại, mỗi năm, cặp trăn này còn đem lại cho gia đình anh Nhất khoảng 20 triệu đồng tiền bán trăn con. Anh Nhất kể: Trăn cái mang bầu hơn 3 tháng sẽ đẻ ra cả ổ trứng to, từ 60-80 trứng một đợt, mỗi trứng nặng khoảng 25gr.
|
Trăn đực nhẹ hơn trăn cái cả chục ký, khách dễ vác đi chơi hơn |
Đến nay ả trăn ngót tạ này đẻ được 4 lứa rồi, mỗi lứa nở được trên dưới 70 con. Như lứa mới đây được 74 con, trong đó 27 trăn đực còn toàn trăn cái. Mỗi cặp trăn xuất chuồng giá 500 nghìn đồng. Ai mua 4 con thì chỉ cần lấy 1 trăn đực cho 3 trăn cái. Bằng kinh nghiệm, anh chỉ nhìn đầu trăn là phân biệt chính xác giới tính.
|
Mỗi lần tắm, trăn cái quẫy lộn khoảng 20 phút, rồi tự giác bò trở lại chuồng |
Anh Phạm Văn Nhất hiện vẫn là một sĩ quan công tác tại Ban chỉ huy Quân sự thị xã Ayunpa. Vợ anh là giáo viên. Nông trại này là nơi tăng gia sản xuất sau giờ công tác của gia đình anh, tuy là "nghề tay trái" nhưng đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Nói về cặp trăn, anh Nhất bảo: Không có nó "xử lý" đám gia súc, gia cầm chết, thì làm nông trại thật hết hơi! Gọi là đây là cặp thú cưng khổng lồ cũng không ngoa chút nào!
Hoàng Thiên Nga (TPO)