Các nhà khoa học thừa nhận sốc, Trái đất không thể tránh khỏi thảm họa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Mỹ và Trung Quốc đã đăng một bài báo trên tạp chí Science, theo đó trong hai thập kỷ qua, quy mô hạn hán và nắng nóng trên Trái đất đã tới mức chưa từng có.
 
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng tình trạng nắng nóng gia tăng này đang ảnh hưởng đến hệ thống khí hậu của khu vực Đông Á và không thể giải thích bằng sự biến đổi tự nhiên. Họ dự báo sau một thời điểm nhất định, sự gia tăng đến mức thảm họa sẽ trở nên không thể đảo ngược.
Các nhà cổ sinh vật học đã tái tạo lại điều kiện khí hậu trong vùng nội Đông Á trong 260 năm qua.
Để làm được điều này, họ đã phân tích chiều rộng các vòng tuổi hàng năm của các loài cây địa phương, thông tin về chúng được lưu trữ trong ngân hàng dữ liệu International Tree Ring Data Bank. Các nhà khoa học cũng tiến hành những nghiên cứu sơ bộ để xác định nhiệt độ và độ ẩm của đất ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến vòng tuổi hàng năm của các loài cây lá kim.
Biến đổi khí hậu đáng kể ở Đông Á
Được biết từ thập niên 90 của thế kỷ 20, khí hậu ngày càng trở nên nóng và khô hơn, tình trạng này đã không xảy ra trong một phần tư thiên niên kỷ. Khu vực nội Đông Á, bao gồm cả Mông Cổ, đã trở thành "điểm nóng", nơi tình trạng khí hậu ấm lên được ghi nhận là nghiêm trọng nhất trong nửa sau của thế kỷ 20. Khu vực này có đặc điểm là lượng mưa hàng năm thấp (dưới 300 mm), khiến nó đặc biệt dễ bị ảnh hưởng khi nhiệt độ tăng cao. Trong hai thập niên qua ở khu vực này các đợt nắng nóng đã gia tăng đáng kể, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ ẩm của đất. Tình trạng nắng nóng và hạn hán tương hỗ nhau cùng gia tăng xảy ra thường xuyên và đang dần trở nên không thể đảo ngược.
Dự báo sẽ có tình trạng nắng nóng đến mức thảm họa
Theo một nghiên cứu năm 2014 của các nhà khoa học Trung Quốc, số lượng hồ trên cao nguyên Mông Cổ đang sụt giảm nhanh chóng. Số lượng hồ trên một kilomet vuông đã giảm 26%, diện tích trung bình của các hồ lớn nhất trong khu vực cũng giảm đáng kể. Việc đất mất dần độ ẩm sẽ là thảm họa đối với hệ sinh thái của khu vực và có thể là thảm họa đối với các loài động vật như cừu, linh dương và lạc đà hoang dã.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi khí hậu ở Mông Cổ đang ảnh hưởng đến khí hậu của toàn bộ Bắc bán cầu. Trong những tháng mùa hè, khu vực này thường xảy ra tình trạng áp cao hay còn gọi là xoáy nghịch (anticyclone) kéo dài, có thể gây ra các đợt nắng nóng gay gắt bên ngoài khu vực. Rất có thể Mông Cổ đang biến thành một vùng hoang mạc cằn cỗi.
Tuấn Anh (Theo Sputnik/DV)

Có thể bạn quan tâm