Ca trù thành đặc sản du lịch được không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ai  đến Huế thường được thưởng thức làn điệu ca Huế trên sông Hương, đến miền Tây Nam Bộ được nghe làn điệu đờn ca tài tử. Tại sao du lịch Hà Nội lại không thể đem ca trù đến với tất cả mọi người?
 Ca trù có thể trở thành đặc sản cho du lịch? Ảnh: Phạm Thành Long
Ca trù có thể trở thành đặc sản cho du lịch? Ảnh: Phạm Thành Long
Trước hết cần phải khẳng định ca trù là một trong những bộ môn âm nhạc truyền thống của dân tộc. Trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, có lúc tưởng chừng như không thể tồn tại được, nhưng với những đặc trưng về loại hình nghệ thuật rất độc đáo, sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ và giọng hát hòa cùng các nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu... cho đến nay, ca trù đã khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại.
Chính vì thế mới đây môn nghệ thuật dân gian này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Sử cũ chép rằng: dưới thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có một ca sĩ ca trù tên là Đào Thị hát hay, múa giỏi, được nhà vua ban thưởng rất hậu hĩ, từ đó dòng nhạc này về sau còn có tên là hát ả đào.
Theo dòng thời gian, từng thế hệ ca công, sáng tác vũ đạo tài hoa được tuyển chọn trong ban nhạc cung đình, để rồi ngoài giờ phục vụ trong cung cấm hoặc khi về hưu họ lại lập ra các phường, hội, nhóm ca nhạc thính phòng khắp ngoài 36 phố phường Kẻ Chợ, hoặc lập thành những Thái ấp quanh Hà Nội mà ngày nay những nơi đó còn có những nhà thờ các vị tổ của lối hát ca trù.
Có thể nói rằng Hà Nội có một lịch sử ca trù lâu dài nhất của cả nước, và vì thế ca trù đã đóng góp không nhỏ trong tâm thức và đời sống của nhiều thế hệ người Hà Nội.
 Ca trù có nguy cơ mai một?
Ca trù có nguy cơ mai một?
Hiện nay ca trù đã được thế giới biết đến, nhiều cơ quan, tổ chức văn hóa quốc tế tôn vinh và xuất bản dưới dạng đĩa hát. Năm 1985, ca trù là 1 trong 9 tiết mục được tuyển lựa vào Diễn đàn âm nhạc châu Á do Unesco tổ chức tại Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên)...
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn người dân thủ đô và du khách trong cũng như ngoài nước đều chưa có điều kiện để tiếp cận và thưởng thức ca trù Hà Nội. Một trong những lý do mang tính lịch sử là đã từng có những nhận định chủ quan của con người.
Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, tồn tại thiếu sinh khí và tàn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình.
Nguy cơ mai một và vĩnh viễn mất đi ca trù là có thực, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý văn hóa của dân tộc. Do vậy việc cung cấp những hiểu biết sâu sắc và căn bản về một số vấn đề của ca trù, không những góp phần đáp ứng yêu cầu cấp thiết ấy mà còn góp phần vào việc phục hồi và chấn hưng nghệ thuật và sinh hoạt ca trù của người Hà Nội.
Việc khẳng định ca trù là âm nhạc dân gian truyền thống của Hà Nội có cội nguồn từ nhạc cung đình xưa kia là góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của triều Lý để lại; trong đó có dấu tích của người sáng lập ra kinh đô Thăng Long.
Sách vở, thư tịch còn lại giúp ích cho việc nghiên cứu ca trù phần lớn chỉ dựng lại được lịch sử hình thành và phát triển, còn những sách dạy học ca trù như thế nào thì hầu như không có.
Từ trước đến nay, việc truyền dạy ca trù chủ yếu qua hình thức truyền miệng nên việc tam sao thất bản hay có nhiều dị bản là dễ hiểu.
Vì thế theo thiển ý, ngành văn hóa và du lịch cần có kế hoạch mời tất cả các nghệ nhân biết hát và biểu diễn ca trù để họ biểu diễn rồi thu hình, sau đó nghiên cứu sắp xếp định tính, kết hợp với các tài liệu trong thư tịch cổ, từ đó ngành văn hóa biên soạn nên một giáo trình dạy ca trù căn bản và hoàn chỉnh cả về đàn hát lẫn phách.
Với ý kiến này, chúng tôi cho rằng đây là việc làm không phải đơn giản, do thực tế hiện nay số lượng người hâm mộ ca trù khá ít ỏi, từ trước đến nay ca trù ít phổ cập, vì thế việc tìm kiếm nghệ nhân, đào nương, những người chơi đàn bậc thầy cũng là việc phức tạp.
Thế nhưng đây là việc rất cần phải làm, nếu không những cây cổ thụ trong lĩnh vực ca trù không bao lâu sẽ không còn nữa.
Bên cạnh đó, cần tổ chức đào tạo và tạo môi trường truyền khẩu nhân rộng ca trù. Có thể đó là các câu lạc bộ, các điểm biểu diễn văn hóa du lịch, hội thảo, hội diễn và đặc biệt kết hợp với ngành giáo dục... Có thể đưa ca trù vào giảng dạy ở các trường học trong phần giáo dục về lịch sử truyền thống...
Cần phải xây dựng các mô hình làm ca quán với một phương pháp tổ chức văn hóa, văn học thật chặt chẽ. Có như vậy mới dần thu hút được cả người nghe lẫn nghệ nhân biểu diễn, và đặc biệt là làm cho ca trù trở thành đặc sản với du khách khi đến thủ đô.
Hiện nay, những ai du lịch đến Huế thường được thưởng thức những làn điệu ca Huế trên sông Hương, hoặc đến miền Tây Nam Bộ được nghe làn điệu đờn ca tài tử Nam Bộ.
Nếu người dân Huế và người dân Nam Bộ làm được điều đó, tại sao du lịch Hà Nội lại không thể đem ca trù đến với tất cả mọi người?
Tôn Thất Thọ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.