Bộ Nội vụ nói về tình trạng quá nhiều cấp phó, bổ nhiệm 'thần tốc'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 20/8, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2018, Bộ Nội vụ đã thông tin thêm về việc rục rịch “chạy” sáp nhập tại một số địa phương và trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thông tin tại buổi họp báo
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thông tin tại buổi họp báo


Cung cấp thông tin về tinh giản biên chế, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Nội vụ, cho biết: Tổng số biên chế tinh giản theo Nghị định 108/2014 được Bộ Nội vụ thẩm tra từ 2015 đến ngày 6.8 là 39.823 người, trong đó chủ yếu là số người nghỉ hưu trước tuổi (34.515 người, chiếm 86,67%); còn lại là người hưởng chính sách thôi việc ngay (5.234 người, chiếm 13,14%), một số ít người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học (29 người), chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách (40 người).

Vì sao đơn vị thuộc Bộ Công an nhiều cấp phó?

Trả lời băn khoăn về số lượng cấp phó và đơn vị trực thuộc cục của Bộ Công an rất lớn sau khi bộ này xóa cấp tổng cục (có những cục 21 đơn vị cấp phòng, 13 cấp phó...) có đảm bảo nguyên tắc tinh gọn bộ máy, bà Đào Thị Hồng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ), cho biết đương nhiên sau sắp xếp số lượng cấp phó sẽ cao hơn, nhưng Bộ Chính trị đã cho lộ trình đến năm 2021 Bộ Công an phải đưa số lượng cấp phó về đúng quy định và bản thân Bộ Công an cũng đã cam kết thực hiện việc này.

Liên quan đến việc sáp nhập các xã, huyện đồng thời không đủ 50% tiêu chuẩn về diện tích và dân số mà Bộ Nội vụ đang hoàn thiện đề án để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thừa nhận dư luận xung quanh việc “chạy” không sáp nhập, chạy chức, chạy quyền là “xác đáng” và là một trong những vấn đề Bộ Nội vụ phải lưu ý khi xây dựng đề án cho chặt chẽ, khả thi. Tuy nhiên, hiện phạm vi chính xác của việc sáp nhập cũng chưa được xác định, bởi đề án mới đang trong quá trình dự thảo.

Sẽ sớm thông tin việc bổ nhiệm “thần tốc” tại Bình Định

Liên quan đến dư luận về việc Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định được bổ nhiệm "thần tốc", ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết “bản thân Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã có những biện pháp tổ chức kiểm tra ngay, nếu phát hiện sai phạm thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xử lý theo thẩm quyền”, còn Bộ Nội vụ “với tư cách là cơ quan tham mưu chính, quản lý chung, chúng tôi đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện”. “Nếu qua theo dõi, thấy kết quả báo cáo của Bình Định chưa phù hợp, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định”, ông Long nói.

Với trường hợp bổ nhiệm này, Bình Định đã “vận dụng” chính sách thu hút người tài, nên một số PV đã đặt câu hỏi có hay không việc lợi dụng chính sách thu hút cán bộ trẻ để bổ nhiệm người nhà, người thân? Ông Long cho biết: Do quy định của T.Ư chưa cụ thể, nên thời gian trước đây, một số bộ, ngành, địa phương có tự đặt ra chính sách riêng để thu hút cán bộ trẻ, trong đó có những quy định “vượt rào”. “Nếu hỗ trợ bằng kinh phí, bằng tiền hoặc bằng các quy định mang tính hỗ trợ chính sách thì không sao, nhưng thu hút cán bộ trẻ mà trái với quy định chung thì qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ đều có kiến nghị các bộ, ngành, địa phương phải sửa đổi. Bộ Tư pháp cũng nhiều lần đề nghị sửa đổi, bổ sung, chấm dứt ngay các chính sách vượt so với quy định chung. Hiện nay, Nghị quyết 26 về chiến lược cán bộ tiếp tục khẳng định chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong năm khâu đột phá, giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư và các cơ quan triển khai xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài. Chúng tôi đang có tham mưu cụ thể để tổ chức triển khai”, ông Long nói thêm.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định sẽ cung cấp thông tin chính thống cho báo chí khi có kết quả kiểm tra trường hợp bổ nhiệm ở Bình Định.

 


Lập tổ công tác xác minh tố cáo bổ nhiệm sai tại Bộ Nội vụ

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác để rà soát, xác minh lại dư luận về 3 cá nhân là cán bộ lãnh đạo của Bộ. “Vừa qua, theo chức năng, các cơ quan cấp trên đang giao Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ rà soát, xác minh lại, trên tinh thần phản ánh của một số PV báo chí và một số cá nhân trong Bộ. Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao thực hiện công tác giám sát công vụ của cả nước, nên Bộ cũng hết sức gương mẫu. Bộ trưởng cũng nói “phải làm sạch nhà mình trước”, nên Bộ đã ra một nghị quyết chuyên đề về việc này. Bộ trưởng đã thành lập 1 tổ công tác gồm các vụ trưởng, chánh thanh tra, Chánh văn phòng Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức giúp Bộ trưởng nắm bắt tình hình chung các đơn vị và tham mưu đề xuất việc bố trí nhân sự. Nếu chúng tôi xem xét có vi phạm thì bất cứ vị trí nào cũng phải xử lý. Khi có kết luận chính thức chúng tôi sẽ thông tin vào thời điểm thích hợp”, ông Thừa cho biết.


Vũ Hân (thanhnien)
 

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.