(GLO)- Đó là chỉ đạo của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên tại Hội nghị tiếp xúc và đối thoại giữa Thường trực HĐND tỉnh với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh vào ngày 10-6.
Đồng chủ trì hội nghị có các ông, bà: Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, một số địa phương và các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Thời gian qua, với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Gia Lai đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch Covid-19 vừa duy trì, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đã thông tin khái quát tình hình phát triển kinh tế-xã hội và kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Toàn tỉnh hiện có 8.160 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 124.470 tỷ đồng, có 368 HTX. Tổng số vốn điều lệ của các HTX trên địa bàn là hơn 737,6 tỷ đồng. Tổng số thành viên HTX là 18.001 người.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Dung |
Chủ tịch HĐND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp, HTX có vai trò rất quan trọng góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, việc tổ chức hội nghị lần này cũng nhằm mục đích được lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, HTX để tỉnh tiếp tục đồng hành và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Trần Dung |
Hầu hết đại biểu đều tỏ ra vui mừng với kết quả tỉnh nhà đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, với tinh thần khách quan, dân chủ, đại diện các doanh nghiệp, HTX đã thẳng thắn nêu lên một số khó khăn như: việc triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 còn chậm; khó khăn, vướng mắc tại các dự án chăn nuôi công nghiệp; kiến nghị liên quan đến vấn đề đất đai, nộp thuế; việc bổ sung kinh phí thanh toán các hợp đồng dịch vụ công ích đô thị; việc hỗ trợ thủ tục, kinh phí thực hiện quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp (VietGap), thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global Gap), sản phẩm OCOP... Về phía HTX, các ý kiến kiến nghị chủ yếu tập trung vào một số khó khăn trong việc thuê đất, kinh phí xây dựng trụ sở; tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; thu hút nguồn nhân lực về làm việc...
Thẳng thắn đối thoại
Đây là lần đầu tiên Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc mang tính chất chuyên đề riêng đối với doanh nghiệp, HTX. Do đó, đại diện các doanh nghiệp, HTX đã có nhiều ý kiến thẳng thắn tham gia tại hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung |
Bổ sung kinh phí thanh toán các hợp đồng dịch vụ công ích cho Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai trong 2 năm 2020 và 2021 là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại hội nghị. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-nêu kiến nghị: “Năm 2020 và 2021, Công ty đều thực hiện đầy đủ khối lượng công việc theo đúng dự toán và hợp đồng đặt hàng-đã được Chủ đầu tư chấp thuận nghiệm thu đủ, đúng khối lượng theo dự toán. Tuy nhiên, việc thanh toán chỉ đạt khoảng 70% trên dự toán, còn lại 30% khối lượng của dự toán chưa được UBND TP. Pleiku thanh toán. Đề nghị các cấp lãnh đạo sớm xem xét và có hướng giải quyết để hỗ trợ kịp thời 65 tỷ đồng (tổng trong 2 năm thiếu hụt 72 tỷ đồng, Công ty đã thống nhất với lãnh đạo của UBND TP. Pleiku giảm 10%) còn thiếu so với dự toán của năm 2020 và 2021”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: Trần Dung |
Giải đáp kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành chỉ rõ: Kiến nghị này của doanh nghiệp là đúng. Theo nguyên tắc ký hợp đồng thì TP. Pleiku phải trả cho doanh nghiệp. Thành phố Pleiku phải xác định rõ nguồn nào, thuộc phạm vi chi nào của thành phố? Theo Luật Ngân sách thì ngân sách cấp nào thì cấp đó phải đảm bảo. Đồng thời, thành phố phải tính toán lại các nguồn thu. Nếu không đủ thì phải làm việc với các ngành để tham mưu cho tỉnh điều chỉnh các khoản thu đảm bảo các nguồn chi”.
Chỉ đạo về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: “Cần nhanh chóng xem xét, xử lý kiến nghị của Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai. Tôi đề nghị trong quý 3 này phải giải quyết dứt điểm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của doanh nghiệp cũng như đời sống người lao động. Sở Tài chính phối hợp với TP. Pleiku giải quyết nhanh, không để kéo dài”.
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nêu kiến nghị về việc bổ sung kinh phí thanh toán các hợp đồng dịch vụ công ích cho Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai. Ảnh: Trần Dung |
Về phía HTX, các ý kiến, kiến nghị tập trung chủ yếu các khó khăn vướng mắc trong việc thuê đất, kinh phí xây dựng trụ sở, tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại hợp tác xã…Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch HĐQT HTX Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông)-trăn trở: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX là thiếu cơ sở vật chất, máy móc thiết bị do thiếu vốn đầu tư. Tuy nhiên, HTX không thể thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng vì không có tài sản chung. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có chính sách đặc thù cho HTX được vay vốn để đầu tư phát triển”.
Về vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Đối với các HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ, để được vay vốn không có tài sản bảo đảm, đề nghị các HTX liên hệ, làm việc trực tiếp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn để được xem xét, giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế của HTX. Để tháo gỡ vướng mắc này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên chỉ đạo rõ: “Quy định về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì có nhiều cơ chế, chính sách nhưng vẫn không thực hiện được. Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải xem xét, nghiên cứu lại. Chúng ta phải vận dụng linh hoạt để giải quyết vấn đề này”.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế thông tin về chính sách hỗ trợ đưa cán bộ trẻ có trình độ về công tác tại HTX. Ảnh: Trần Dung |
Băn khoăn về chính sách hỗ trợ đưa cán bộ trẻ có trình độ về công tác tại HTX, bà Đặng Thị Lanh-Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Ia Púch (huyện Chư Prông) cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả là do thiếu đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ. Chúng tôi hi vọng tỉnh có cơ chế đưa cán bộ trẻ có chuyên môn nghiệp vụ về hỗ trợ HTX phát triển”. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho biết: “UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung hỗ trợ “Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể” gồm: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với thành viên, người lao động và hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên tham gia khóa đào tạo để nâng cao năng lực và mức chi hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Sau khi được thông qua, các sở, ngành, địa phương sẽ tham mưu triển khai nội dung hỗ trợ trên đến các tổ chức kinh tế tập thể được tiếp cận chính sách theo quy định.
Bà Đặng Thị Lanh-Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Ia Púch (huyện Chư Prông) băn khoăn về tình trạng HTX thiếu cán bộ trẻ có trình độ. Ảnh: Trần Dung |
Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần In-Đầu tư phát triển giáo dục Gia Lai kiến nghị: "Ngành ngân hàng cần phải công khai minh bạch các khoản vay ưu đãi để doanh nghiệp dễ tiếp cận thông tin. Thậm chí, doanh nghiệp còn không nhận được sự hướng dẫn, trả lời từ ngân hàng.
Nói về kiến nghị này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nêu rõ: Ngành Ngân hàng khi giao nguồn vốn ưu đãi phải theo dõi đã cho những đối tượng nào vay? Không phải chỉ quen biết mới được tiếp cận nguồn vốn này. Tôi yêu cầu báo cáo rõ.
Tại hội nghị bà Huỳnh Thị Ngọc Lan cũng nêu lên băn khoăn: Việc in Báo Gia Lai hiện nay không hiệu quả. Các năm gần đây vật tư như: giấy, mực, kẽm, điện, xăng dầu... tăng liên tục. Nhưng hơn 4 năm nay Công ty đề nghị tăng đơn giá công in nhưng tới nay vẫn chưa được phản hồi. Chúng tôi đề nghị cho đấu thầu công khai nhưng được biết, giá mời thầu thấp hơn giá khảo sát nên không mời thầu được.
Ông Đặng Công Lâm-Phó Giám đốc Sở Tài Chính trả lời: "Kiến nghị này hiện nay chúng tôi đang triển khai và sẽ có điều chỉnh theo hướng có tăng". Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên yêu cầu giải quyết kiến nghị này ngay trong quý III và phải theo đúng quy định của pháp luật.
Với tinh thần khách quan, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thẳng thắn nêu một số khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Trần Dung |
Ngoài ra, một số ý kiến, kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp, HTX tại hội nghị đều được các sở, ban, ngành ghi nhận, đồng thời làm rõ một số nội dung với tinh thần lắng nghe, chia sẻ và sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX hoạt động thuận lợi, hiệu quả.
Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc
Với tinh thần cầu thị và luôn sẵn sàng đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, HTX trong tiến trình phát triển chung của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên thể hiện rõ quan điểm: “Doanh nghiệp, HTX dù lớn hay nhỏ đều tạo ra những giá trị riêng, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, vì vậy cần được đối xử công bằng như nhau. Các ngành, địa phương cần quan tâm giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, HTX. Có như vậy mới tạo điều kiện cho họ phát triển cùng sự phát triển chung của tỉnh. Không vì một lý do nào đó mà ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp này nhưng không hỗ trợ cho doanh nghiệp kia. Đặc biệt, phải nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp. Các tổ chức này là cầu nối gắn kết các doanh nghiệp với địa phương để giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền và cùng nhau góp tiếng nói để gỡ những vấn đề bất cập phù hựp với thực tiễn”.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Hội nghị tiếp xúc và đối thoại là cơ hội để Thường trực HĐND tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX. Đối với các ý kiến, kiến nghị, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xem xét, trả lời và tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh nhất.
Đại diện các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng. Ảnh: Trần Dung |
Thời gian tới, để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX phát triển ổn định, bền vững, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh thanh toán điện tử… Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nữ doanh nhân và Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò là cầu nối gắn kết doanh nghiệp, HTX với cấp ủy, chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp, HTX tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để đầu tư, mở rộng sản xuất…
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cũng tin tưởng rằng, với sự cố gắng, nỗ lực, sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, HTX, kinh tế-xã hội tỉnh nhà sẽ có bước phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp, HTX sẽ cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quyết tâm xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh và bền vững, giàu bản sắc và trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới.
TRẦN DUNG