Bệnh viện đầu tiên ở VN chăm sóc bệnh nhân theo yêu cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương hiện là BV đầu tiên tổ chức dịch vụ chăm sóc theo yêu cầu một cách chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu về người thay thế người thân của của bệnh nhân chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân ngày một nhiều. 
Thiết nghĩ, mô hình này rất nên được các BV mở rộng, vì sẽ vô cùng hữu ích cho các bệnh nhân nằm dài ngày, bệnh nhân ở xa, không tự phục vụ được, gia đình neo đơn vv…
Khi anh trai tôi mổ tim nằm viện, lúc nào gia đình cũng phải cử 2-3 người thay nhau chăm sóc. Vì thế, các con anh phải nghỉ việc để về Hà Nội trông bố. Lúc đó, gia đình tôi đã rất mong bệnh viện (BV) có dịch vụ chăm sóc người bệnh, để cho các cháu đỡ vất vả. Bởi dù một số BV có dịch vụ chăm sóc người bệnh tự phát, nhưng biết họ là ai mà tin tưởng, họ lại không có chuyên môn làm sao biết cách chăm sóc, chưa kể mỗi người “phát” một giá vênh nhau đến chóng mặt. Nếu không may xảy ra chuyện gì, biết họ ở đâu mà đòi trách nhiệm?
Trong bối cảnh nhịp sống công nghệ hóa hiện nay, hầu hết mọi người đều chịu nhiều áp lực công việc, không có thời gian và điều kiện chăm sóc người thân khi ốm đau nằm viện. Vì thế đã phát sinh nhu cầu cần người chăm sóc người bệnh, nhất là ở các BV ở tuyến Trung ương luôn quá tải. Nhiều gia đình thuê những người đã chăm sóc người thân của họ ở BV, hoặc nghe giới thiệu, chả biết là ai, nên từng xảy ra những cú lừa ngoạn mục khi “Osin BV” cuỗm hết tiền nong của người bệnh rồi chuồn. 
Chị Nguyễn Kim Tuyết chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân theo yêu cầu gần 4 tháng qua
Chị Nguyễn Kim Tuyết chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân theo yêu cầu gần 4 tháng qua
Nhiều người biết gia đình bệnh nhân bí người chăm sóc nên “hét” giá trên trời, khiến họ phải nhắm mắt chấp nhận. Nhiều người cũng chỉ tỏ ra chu đáo khi có người nhà bệnh nhân, còn không thì cũng làm lấy lệ. Lại nữa, người chăm sóc bệnh nhân không có chuyên môn dễ dẫn đến làm nặng thêm tình trạng của người bệnh như từng xảy ra ở một vài nơi: tự ý chỉnh tốc độ truyền dịch, để người bệnh tự vào nhà vệ sinh khiến ngã đập mặt xuống sàn bất tỉnh, không biết xử lý với người bệnh cần theo dõi mạch, huyết áp vv… Chỉ người bệnh là khổ.
BV Phổi Trung ương cũng nằm trong số các BV tuyến cuối có nhu cầu cao về việc hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Nhất là do đặc thù là BV có bệnh lây truyền nên nhiều người thân của bệnh nhân cũng rất ngại đến đây chăm sóc người nhà. 
Để giải quyết tình hình này, nhằm nâng cao chất lượng điều trị, BV quyết định tổ chức các nhân viên chăm sóc người bệnh theo yêu cầu. Họ được tuyển lựa, đào tạo về các kỹ năng chăm sóc, kỹ năng ứng xử vv… và có kiểm tra cấp chứng chỉ hành nghề.
Ông Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, cho biết: Chúng tôi đặt ra yêu cầu người thân của người bệnh chăm sóc và thể hiện tình cảm với người bệnh thế nào, thì nhân viên thay thế họ phải coi người bệnh như chính người thân của mình. Nhân viên sẽ chăm sóc toàn diện: Trông nom người bệnh tại BV (hoặc tại nhà); giám sát lịch uống thuốc, hỗ trợ người bệnh uống thuốc theo hướng dẫn; hỗ trợ vệ sinh cho người bệnh; hỗ trợ ăn uống hàng ngày; đỡ người bệnh đi lại, xoa bóp, thay đổi tư thế để người bệnh thấy thoải mái. 
Nhân viên còn có nhiệm vụ động viên tinh thần người bệnh, đọc sách, đọc truyện, đọc tài liệu, nói chuyện, chia sẻ, tâm sự, đi dạo, gọi điện thoại cho gia đình người bệnh (nếu cần). Đặc biệt, người bệnh có thể được chọn chăm sóc theo giờ hay theo ngày, tháng, tại nhà hoặc tại BV, tùy  theo nhu cầu và điều kiện.
Anh Trần Anh Tuấn chăm sóc cho bệnh nhân
Anh Trần Anh Tuấn chăm sóc cho bệnh nhân
Theo ông Phú, dịch vụ này được tổ chức không mang lại giá trị kinh tế cho BV, mà chỉ nhằm hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, giải quyết việc làm cho các bạn trẻ. Nhưng BV vẫn chịu trách nhiệm trước bệnh nhân chứ không phải nhân viên chăm sóc.
Bệnh nhân NVĐ (73) tuổi nằm tại Khoa Ngoại tổng hợp 3 tháng rưỡi nay do bị cặn phổi từ vết thương trong chiến tranh. Cũng ngần đó thời gian, ông được nhân viên Nguyễn Kim Tuyết chăm sóc. Do ông nằm viện dài ngày, các con cháu không có thời gian chăm sóc nên việc nhân viên BV thay mặt chăm sóc đã giúp gia đình ông giải quyết được nhiều vấn đề, khi ông vẫn được chăm sóc đầy đủ mà con cái không phải nghỉ việc nhưng vẫn yên tâm.
Sau khi thay đồ cho bệnh nhân, hỏi ông đã vừa ý chưa, chị Tuyết mới xin phép ông để trao đổi với chúng tôi. Chị học Cao đẳng Y Hưng Yên ra trường và những kiến thức chuyên ngành giúp chị chăm sóc bệnh nhân dễ dàng. Chị cho biết, ngoài kỹ thuật chăm sóc, bệnh nhân và người nhà họ rất coi trọng thái độ phục vụ, nên nhân viên phải luôn chu đáo, nói năng nhẹ nhàng, hiểu tâm tính bệnh nhân và động viên họ điều trị. Khi bác sĩ khám mà gia đình người bệnh vắng mặt, chị Tuyết sẽ ghi lại những điều bác sĩ dặn, rồi nhắn tin cho người nhà ông. Hàng ngày, chị cập nhật tình hình của ông Đ. cho gia đình ông, nên dù không có mặt, người thân ông vẫn biết sức khỏe của ông ra sao.
Tại phòng điều trị bệnh phổi nghề nghiệp, nhân viên chăm sóc theo yêu cầu Trần Anh Tuấn (Cổ Nhuế, Hà Nội) đang nhẹ nhàng nâng bệnh nhân NVX. (59 tuổi) dậy, cho ông uống nước rồi thay bỉm. Nếu không được báo trước, nhìn sự ân cần như với người thân của anh Tuấn, tôi dễ tưởng đó là những người ruột thịt. Anh Tuấn tốt nghiệp Cao đẳng Y Hà Nội và đã làm việc này được 8 tháng. Với những bệnh nhân không tự phục vụ được như ông X, ban ngày anh Tuấn chăm sóc, còn ban đêm lại do một nhân viên khác phục vụ.
 Bà Nguyễn Thị Bình (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Mặc dù không có người thân bên cạnh, nhưng tôi lại được nhân viên chăm sóc chu đáo hơn vì họ có chuyên môn. Bất cứ lúc nào gọi các cháu đều được đáp ứng nhiệt tình, nhanh nhẹn và ngoan ngoãn.
“Việc nhân viên chăm sóc theo yêu cầu hỗ trợ người bệnh đúng cách, còn giảm gánh nặng cho điều dưỡng, tăng hiệu quả trong điều trị, để bệnh nhân sớm ra viện, giảm chi phí chữa bệnh.” – Ông Vũ Xuân Phú cho biết.
Thanh Hằng (Công an nhân dân)

Có thể bạn quan tâm

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.