Bên trong thị trấn cổ ẩn mình với thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thành phố cổ Derinkuyu được sử dụng làm nơi trú ẩn trong thời kỳ chiến tranh hay tránh thảm họa thiên nhiên với không gian sống đủ cho 20.000 người.
 

 

Derinkuyu là thành phố ngầm cổ sâu nhất đã được khai quật thuộc khu vực Cappadocia, trung tâm Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây được coi là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, với những ống khói mang hình dáng độc đáo và nhiều hang động bị xói mòn. Những ngôi nhà rộng nằm rải rác dưới lòng đất nối thông với nhau bằng hệ thống đường hầm bí mật, mà người dân sử dụng để trú ẩn qua nhiều thế kỷ. Với độ sâu khoảng 80 mét và sức chứa lên tới 20.000 người, thành phố ngầm Derinkuyu có đầy đủ điều kiện để cư dân ẩn nấp và sống sót qua những cuộc chiến tranh xảy ra liên miên trong lịch sử.
 

 

Hàng triệu năm trước, hàng loạt vụ núi lửa phun trào khiến cho khu vực Anatolia ngập tràn trong tro bụi và đất đá. Trải qua thời gian, lớp tro đá này đông đặc thành những khối đá mềm, ổn định và dễ dàng trạm khắc. Hiện tượng này khiến cư dân cổ Anatolia nhận ra rằng họ có thể đục nhà ngay trên sườn đồi và dưới lòng đất. Đây chính là nguồn gốc ra đời của những tổ hợp nhà đá đục trong khu vực, bao gồm cả thành phố Derinkuyu.
 

 

Năm 1963, thành phố ngầm cổ Derinkuyu được một hộ dân tình cờ phát hiện khi đang sửa sang lại ngôi nhà của mình. Khi nhóm công nhân thi công đục một bức tường, căn phòng dẫn đến một lối đi ngầm khiến họ kinh ngạc. Sau khi thăm dò, người ta nhận ra rằng lối đi này dẫn tới một mê cung nằm sâu trong lòng đất. Đó chính là thành phố cổ Derinkuyu. Đây cũng chính là một phát hiện lớn ở thời điểm đó.
 

 

Theo bản đồ, Derinkuyu có tổng cộng 18 tầng tổ hợp, trong đó chỉ có 8 tầng được mở cửa tự do, số còn lại đều là khu vực bí mật. Ở đây, các nhà nghiên cứu tìm thấy đầy đủ không gian sống trong gia đình như bếp ăn, phòng ngủ, phòng tắm, giếng nước, chuồng gia súc. Ngoài ra, thành phố ngầm này còn có phòng dự trữ lương thực, phòng chế biến dầu ăn và rượu vang, kho vũ khí, nhà thờ, trường học và mộ chôn người chết. Các căn phòng được phân chia diện tích phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau. Phòng nhỏ là nơi chôn cất người chết, còn phòng lớn được dùng làm trường học và sinh hoạt cộng đồng.
 

 

Bên cạnh đó, một số nhà khoa học còn phát hiện đường hầm dài 8 km nối liền Derinkuyu với thành phố ngầm Kaymakli. Điều này chứng tỏ đã có sự giao lưu và tiếp xúc giữa các cộng đồng dân cư khác nhau trong khu vực Anatolia.
 

 

Trong suốt bề dày lịch sử, Derinkuyu và Anatolia là khu vực bất ổn định do chiến tranh xảy ra liên miên. Những cư dân cổ vùng Cappadocia là người Hattians và sau đó là người Hittites (năm 2500 TCN) đã xây dựng khu vực này thành khu giao thương phát triển bằng việc bắt tay với các cộng đồng lân cận. Sau đó, bởi vị trí thuận lợi là trung trung thương mại lớn giữa châu Á và châu Âu, nhiều bộ tộc và chính phủ đều muốn xâm chiếm Anatolia dẫn đến lịch sử đầy biến động hàng thiên niên kỷ ở nơi đây.
 

 

Với thiết kế phức tạp và vững chắc, thành phố Derinkuyu là nơi trú ẩn an toàn cho cư dân thời cổ đại. Cửa ra vào được bố trí một hòn đá lăn xoay được với một lỗ nhỏ ở giữa có thể ngụy trang lối vào và đường đi trong các tình huống khẩn cấp. Người ta cho rằng lỗ nhỏ này có tác dụng giúp việc đóng mở cửa được dễ dàng, hoặc là điểm bắn tên từ bên trong ra ngoài khi chiến đấu.
Cánh cửa đá cũng được thiết kế để chỉ có thể đóng mở từ bên trong, nên những người ở bên trong tổ hợp này nắm toàn quyền kiểm soát tình hình.

 

 

Mỗi tầng tổ hợp nối thông với các tầng khác bằng một hành lang với thiết kế cửa đá tương tự. Ngoài ra, lối đi dài và rất hẹp, chỉ đủ đi vừa một người cũng làm tăng độ an toàn khi chiến đấu với kẻ địch.
 

 

Cappadocia là khu vực có thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm, mùa hè và mùa đông. Tuy nhiên, nhiệt độ dưới thành phố ngầm Derinkuyu luôn duy trì ổn định trong khoảng 13 độ C. Vì vậy, đây là môi trường lý tưởng để chăn nuôi gia súc, đồng thời duy trì nguồn nước sạch và giữ cho thực phẩm luôn tươi ngon.
 

 

Thành phố cổ Derinkuyu được mở cửa cho du khách vào năm 1969. Đến nay, cấu trúc của khu di tích vẫn còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, thành phố này có từ khi nào và ai là người xây dựng thành phố vẫn là những câu hỏi bí ẩn chưa có lời giải.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo có "1-0-2" cảnh cá chép ăn hoa sen

Độc đáo có "1-0-2" cảnh cá chép ăn hoa sen

Ngay khi tiếp cận được bông sen thơm ngát, trái với suy nghĩ của mọi người rằng cá chép sẽ từ tốn thưởng hoa, con cá này mạnh mẽ nhao đến, cắn thẳng vào từng cánh hoa thơm ngát, cố gắng giật đứt, nuốt vào mồm.
Giữa Hà Nội mới xuất hiện một ngôi làng bích họa

Giữa Hà Nội mới xuất hiện một ngôi làng bích họa

Hơn 20 bức tranh với nội dung gắn với văn hóa lịch sử thôn Chử Xá (Gia Lâm, Hà Nội) được vẽ lên những bức tường đã tạo nên một diện mạo mới và hấp dẫn cho một làng quê Bắc Bộ. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến mới cho nhiều du khách trong và ngoài nước.
Say sưa cốm Tú Lệ

Say sưa cốm Tú Lệ

Tú Lệ là một xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Thung lũng Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt to tròn, trắng trong.