Nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt các DN ngoài quốc doanh vì lợi ích đã cố tình quên hoặc tìm mọi cách lách luật để “trốn” đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho công nhân. Ngoài ra, họ còn dùng nhiều mánh lới để cù cưa kéo dài, nợ đọng tiền BHXH lên đến hàng tỷ đồng. Tình trạng này diễn ra trên địa bàn Gia Lai từ nhiều năm qua.
Lách luật
Trên địa bàn Gia Lai hiện có trên 3.500 DN hoạt động với hàng chục vạn lao động đang làm việc tại đây. Với con số này, hàng năm BHXH tỉnh thu về hàng trăm tỷ đồng tiền bảo hiểm do các DN trích nộp. Thông thường số lượng người tham gia đóng BHXH ngày càng tăng thì số thu ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi thì việc thực hiện chính sách BHXH cho người lao động (NLĐ) gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Mặc dù, đối tượng tham gia BHXH năm sau tăng cao hơn năm trước nhưng so với số lượng DN và lao động hiện có của tỉnh tham gia BHXH thì tỷ lệ này vẫn rất thấp.
Nhiều công nhân trong số này vẫn chưa hiểu rõ về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: Nguyễn Giác |
Tham gia đóng BHXH là nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ sử dụng lao động và NLĐ. Tuy nhiên, trên thực tế, qua tìm hiểu từ nguồn tổng hợp của cơ quan BHXH tỉnh Gia Lai cho thấy, việc đóng BHXH cho NLĐ trên địa bàn đang bị xem nhẹ, một phần là do NLĐ chưa hiểu biết đầy đủ; phần “quyết định” còn lại do các DN- chủ sử dụng lao động tìm đủ cách để lách luật, trốn tránh hoặc đóng “cho có”. Cụ thể ở đây là việc NLĐ dù có thu nhập từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng hay nhiều hơn thì chỉ được ghi trong bảng lương không thấp hơn mức lương cơ bản hiện tại tức 1.050.000 đồng/tháng; hoặc DN cố lờ đi bằng những “chiêu thức” làm khó cho cơ quan chức năng khi đòi hỏi về quyền lợi của NLĐ với các DN. Hầu hết các DN đều “hùng hồn” tuyên bố đơn vị, công ty mình quan tâm, đầy đủ trách nhiệm với Nhà nước cũng như NLĐ. Số còn lại thì biện minh là do khó khăn về tài chính, lao động hợp đồng theo mùa vụ… để chậm đóng hoặc chỉ đóng cho một nhóm NLĐ nhất định.
Chúng tôi có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Hức- phụ trách Ban Nội chính của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Theo ông Hức: Hai công ty hoạt động tại Khu Công nghiệp Trà Đa có khoảng 2.000 lao động đang theo làm việc thường xuyên. Nhưng số liệu thực tế từ BHXH TP. Pleiku cung cấp thì 2 công ty chỉ đóng BHXH vỏn vẹn cho 45 người (Công ty TNHH Khai thác và Chế biến Đá Granit Đức Long: 13 lao động; Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Long- Gia Lai: 32 lao động) và cả hai đơn vị này đang có trong danh sách nợ đóng BHXH từ 6 tháng trở lên.
2.000 lao động mà chỉ có 45 người được tham gia BHXH, vậy số công nhân, NLĐ còn lại vì lý do gì không được tham gia bảo hiểm? Đặt vấn đề này với ngành BHXH thì chỉ nhận được câu trả lời: Do DN chỉ khai báo đến thế! Cũng tại buổi làm việc, đại diện BHXH TP. Pleiku cho biết: Một DN mang quyết định lương đến đóng bảo hiểm cho công nhân, mức lương 7 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ tham gia đóng bảo hiểm ở mức lương tối thiểu (1.050.000 đồng) và giải thích đấy là “quyền” của NLĐ.
Không riêng gì với 2 DN trên, tại nhà máy sản xuất gỗ (trực thuộc Tập đoàn HA.GL) trên đường Trường Chinh, phường Chi Lăng (TP. Pleiku) nơi có hơn 500 công nhân đang làm việc, khi hỏi một công nhân ở phân xưởng phun sơn thì được biết chị đã làm 2 năm nhưng chưa được ký hợp đồng(?). Một trường hợp khác ở phân xưởng hoàn thiện tại nhà máy này thì: Lương của chị khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng hàng tháng chỉ trừ khoảng 100 ngàn đồng. Hơn thế chị cũng mơ hồ, nhớ mang máng như đã đóng bảo hiểm.
Thử làm một phép tính nhỏ: Với mức lương của công nhân trên, nếu DN đóng BHXH đủ 19% là 475.000 đồng/tháng. Riêng chị này đóng 6,5% mức lương là 162.500 đồng/tháng, đồng nghĩa với việc công nhân này chỉ đóng chưa đầy 2/3 so với mức lương thực hưởng mỗi tháng. Và hàng năm “né” khoảng 372 triệu đồng (62 ngàn đồng x 12 tháng x 500 lao động). Còn DN trốn chi hơn 1 tỷ đồng/năm (182 ngàn đồng x 12 tháng x 500 lao động).
Trên đây chỉ lấy mức lương bình quân của công nhân để tính, còn nhiều NLĐ khác có mức thu 5-7 triệu đồng thì con số mà DN đã hưởng lợi từ việc “trốn” đóng BHXH sẽ là không nhỏ?
Theo số liệu BHXH tỉnh Gia Lai, tính đến cuối năm 2010, tổng số tiền nợ đọng BHXH là trên 3,6 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2011 có đến 21 đơn vị nợ với số tiền lên gần 20 tỷ đồng (chỉ tính DN nợ BHXH 3 tháng trở lên). Trong đó, có DN nợ đến 23 tháng (tính đến hết tháng 6-2011). Lý do đưa ra là thiếu vốn và đơn vị thu BHXH thì cũng không có biện pháp gì, vì họ chỉ làm theo quy định là tính thêm tiền lãi phạt với lãi suất khiêm tốn chỉ với 0,85%. Cơ quan BHXH là cơ quan quản lý trực tiếp tình hình thực hiện chính sách BHXH nhưng lại không có thẩm quyền kiểm tra và xử phạt các đơn vị trốn hoặc nợ BHXH ngoài việc thường xuyên giải thích DN hiểu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm.
Tạm kê danh sách các DN nợ đọng BHXH tính đến cuối tháng 6 như sau: Công ty Cà phê Chư Pah nợ 16 tháng với trên 3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sông Đà 4 nợ 16 tháng gần 7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sông Đà 3 nợ 8 tháng với số tiền 2,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sông Đà 101 nợ 7 tháng với gần 1,8 tỷ đồng... Bên cạnh các DN ngoài quốc doanh nợ đọng BHXH thì vẫn còn nhiều đơn vị khác trong đó có cả đơn vị nhà nước dù con số này không lớn.