Tính đến chiều 2/6, tỉnh Bình Phước đã có 87 ổ dịch xảy ra tại 4 huyện, thị. Hàng nghìn con lợn đã bị tiêu hủy. Cơ quan chức năng trong tỉnh Bình Phước khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không giấu dịch.
Sở NN&PTNT Bình Phước đã cung cấp hơn 3.000 lít hóa chất để phun khử trùng, tổ chức khoanh vùng dập dịch tại các điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã cung cấp hơn 3.000 lít hóa chất để phun khử trùng, tổ chức khoanh vùng dập dịch tại các điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên tốc độ lây lan rất nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cao điểm là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lợn nuôi thả rong và lợn rừng nuôi theo mô hình bán hoang dã bị lây nhiễm dịch khá lớn.
Xã Long Hà, huyện Phú Riềng là trung tâm của điểm dịch tả lợn châu Phi. Tại đây đã xảy ra hơn 40 ổ dịch chiếm 50% tổng số hộ nuôi lợn của tỉnh trong thời gian vừa qua.
Hiện dịch tả lợn châu Phi đã “tấn công” 14 xã, phường của 4 huyện, thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước; trong đó hai huyện gồm Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài đã công bố dịch. Hai huyện, thị còn lại gồm thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng cũng nằm trong điểm nóng về dịch.
Trước tình hình trên, tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các huyện, thị phối hợp với các hộ chăn nuôi khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch; tăng cường kiểm soát giết mổ, mua bán,vận chuyển động vật ra vào tỉnh; tiến hành đợt cao điểm tiêu độc, khử trùng phun xịt hóa chất khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ động vật và các sản phẩm động vật…
Cơ quan chức năng trong tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân tuyệt đối không giấu dịch, khi có lợn chết báo ngay cho thú y cơ sở để được hướng dẫn xử lý; tuyệt đối không vứt xác lợn chết ra bãi rác, sông suối tránh gây ô nhiễm môi trường và phát tán dịch bệnh ra cộng đồng; không giết mổ, tẩu tán, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết ra thị trường khiến dịch lan rộng.
Tỉnh Bình Phước lập 3 chốt kiểm soát dịch bệnh trên các trục đường chính cũng như đã thực hiện kiểm tra, phun thuốc sát trùng xe chở động vật qua các trạm kiểm soát để phòng ngừa bệnh dịch tả châu Phi truyền từ địa phương này qua địa phương khác.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng thì tình hình dịch tả lợn châu Phi hiện trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng trong các hộ chăn nuôi lợn nhỏ, lẻ; lo ngại nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số…
Dương Chí Tưởng (TTXVN)