An Khê: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thị xã An Khê có tiềm năng du lịch phong phú, đặc biệt là loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa-lịch sử. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, thị xã An Khê đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Kim Quang-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê, cho biết: Thời gian qua, An Khê đã tiến hành nhiều hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch như: tiếp xúc, gặp gỡ, giao lưu, ký kết bản ghi nhớ, chương trình hợp tác về xây dựng và phát triển du lịch với các đơn vị bạn; sản xuất phim tư liệu, phóng sự, đĩa nhạc, trang thông tin điện tử, triển lãm tranh ảnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh về văn hóa-lịch sử, con người, vùng đất An Khê. Năm 2016, UBND thị xã đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với di tích Tây Sơn Thượng đạo giai đoạn 2017-2020.

 

Vùng đất An Khê có nhiều trầm tích thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và khách du lịch. Ảnh: P.L
Vùng đất An Khê có nhiều trầm tích thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và khách du lịch. Ảnh: P.L

Đồng thời tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ của trung ương và tỉnh để tôn tạo di tích An Khê Trường, An Khê Đình, nâng tầm lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Hội Cầu huê, lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung và các lễ hội tín ngưỡng dân gian trên địa bàn. Dù vậy, việc đầu tư cho du lịch đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương.

Chính vì thế, việc xây dựng quy hoạch, đề ra mục tiêu, định hướng cụ thể cũng như kế hoạch đầu tư là việc làm cần thiết để khai thác tiềm năng du lịch của thị xã. Trong Kế hoạch số 565/QĐ-UBND về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo, An Khê tập trung cho các dự án đầu tư phát triển du lịch, như: khai thác các giá trị văn hóa-lịch sử Tây Sơn Thượng đạo; xây dựng làng du lịch cộng đồng (làng Pơnang, xã Tú An),  khu du lịch Công viên Bảo tàng đồ đá cũ An Khê (khu bán ngập, xã Xuân An); hình thành điểm du lịch sinh thái đầu đèo An Khê (xã Song An); điểm du lịch đập Bến Tuyết (xã Phú An); điểm du lịch sinh thái Hố Trời (xã Xuân An); đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm...

Từ nay đến năm 2020, thị xã An Khê chú trọng quy hoạch tổng thể du lịch, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các dự án du lịch. Xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn, đảm bảo nhu cầu của du khách; quan tâm hình thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các sản phẩm rượu cần, thổ cẩm, vườn cây ăn trái, nông sản đặc trưng của địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm. Nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các đơn vị trong và ngoài tỉnh; phấn đấu đến năm 2020, số lượng khách du lịch đến với thị xã An Khê đạt 70.000 lượt người/năm, doanh thu đạt 35 tỷ đồng…

Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Kim Quang chia sẻ: “Chúng tôi xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu nhập cho xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và đóng góp nguồn thu địa phương. Đồng thời, qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử, cải tạo cảnh quan, xây dựng thương hiệu du lịch của thị xã An Khê”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.