Thông bị đốn hạ, chủ rừng bất lực!?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng trăm cây thông trồng trên dưới 30 năm nay đã bị kẻ xấu ken cây, chặt đốt song chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ bắc Biển Hồ chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Phá rừng thông, xâm canh
Hàng trăm cây thông đã bị kẻ xấu dùng dao, rựa ken quanh thân cây khiến cây không thể trao đổi chất để sinh trưởng, phát triển dẫn đến cây bị chết. Nhiều khoảnh rừng thông do Ban quản lý rừng phòng hộ bắc Biển Hồ (BQL) đã bị hại chết như thế. Kẻ xấu sau khi ken cây một thời gian sẽ chặt đốt và xâm canh. Họ trồng vào đây nhiều loại cây dài ngày như tiêu, cà phê... Thực trạng này kéo dài trong thời gian qua và diện tích lấn chiếm đã lên đến hàng chục ngàn m2 đất rừng trong sự cẩu thả, tắc trách của BQL.
Nhiều cây thông đã bị kẻ xấu ken cây, bức tử. Ảnh: Trần Hiếu
Nhiều cây thông đã bị kẻ xấu ken cây, bức tử. Ảnh: Trần Hiếu
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi không khỏi choáng váng bởi nhiều khoảnh rừng thông được trồng hàng chục năm nay đang bị ken cây, đang héo rũ hoặc đã trụi lá. Nhiều cây thông mới bị ken chưa lâu, đang còn ứa nhựa. Chỉ một khoảnh rừng thông xen với rẫy cà phê của người dân sát đường tránh Hồ Chí Minh đoạn quan TP Pleiku thuộc địa phận xã Gào, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, chúng tôi đếm được gần cả trăm cây thông bị kẻ xấu tàn phá. Một số thông bị ken cây chờ chết. Gần đó, chúng tôi tận thấy nhiều cây thông đã bị chặt hạ trái phép gom thành đống chờ đốt bỏ. Nhiều cây bị ken nhưng chưa chết cũng bị kẻ xấu đốt để cây chết nhanh.
Toàn bộ cây thông sau khi đã chết đều bị đẵn hạ gom lại đốt. Một số người dân ở khu vực này lợi dụng thông chết đã kéo nhau vào rừng, đem theo cả xe công nông để chặt những cây thông đã bị phá chết, đốn hạ đem về nhà dùng làm chất đốt. 
Người dân mang xe công nông vào tận rừng lấy củi thông bị chết về làm chất đốt. Ảnh: Trần Hiếu
Người dân mang xe công nông vào tận rừng lấy củi thông bị chết về làm chất đốt. Ảnh: Trần Hiếu
Hầu hết những khoảnh rừng thông sát với khu vực đường tránh, có cà phê của dân xen vào đều bị phá. Tại những mảnh rừng “da báo” này, cà phê của dân lấn sát rừng. Và kẻ xấu đều dùng thủ đoạn tương tự: ken cây để cho thông chết. Hàng trăm cây thông đã bị hại bằng thủ đoạn không thương tiếc này. Tại một số địa điểm, sau khi chặt đốt thông, những hố cà phê đã được người dân đào lấn vào đất rừng. Một số người dân đã trồng cà phê vào hố. 
Thu hồi đất, ngăn chặn phá rừng kiểu…lưng chừng!
Khu vực rừng thông này đang bị chết dần bởi bàn tay phá hoại của kẻ xấu. Với diện tích quản lý khoảng 1.400 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ, chủ yếu là thông ba lá tại khu vực hai xã Ia Kênh, xã Gào thuộc địa bàn TP Pleiku, tỉnh Gia Lai,  BQL này đã chưa thực sự làm tròn chức trách được giao.
Theo thống kê chưa đầy đủ của BQL, có 80 đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng với diện tích gần 117.000m2. Nhiều đối tượng lấn chiếm đã tiến hành trồng tiêu, cà phê, keo. Toàn bộ diện tích lấn chiếm đều lấn vào rừng thông ba lá. Nhiều đối tượng đã trồng cây trái phép trên đất lâm nghiệp từ năm 2017 đến nay. Một số vừa mới đào hố, trồng mới. Và theo đó, hàng trăm cây thông ba lá đã bị bức tử. 
Theo kế hoạch, trong hai năm 2018-2019, BQL này sẽ tiến hành thu hồi hơn 26 ha đất rừng bị chiếm nhằm mục tiêu trồng lại rừng, phù hợp với mục đích quy hoạch và nâng cao độ che phủ. Song kế hoạch này vẫn chưa được triển khai quyết liệt. Nhiều khoảnh rừng thông thuộc rừng phòng hộ và rừng sản xuất đã bị tàn phá, bị lấn chiếm đất. Tại nhiều khoảnh rừng bị lấn chiếm, cây trồng xâm canh đã lên xanh. Chẳng hạn, ông  Pui Him ở xã Gào lấn chiếm 7.000m2 đất rừng phòng hộ và đã trồng cà phê được 4 năm nay…Nhiều hộ khác cũng đã phá rừng thông để trồng các loại cây như tiêu, cà phê. 
Hố trồng cà phê lấn vào đất rừng. Ảnh: Trần Hiếu
Hố trồng cà phê lấn vào đất rừng. Ảnh: Trần Hiếu
Theo thông tin từ BQL, có một tổ làm công tác bảo vệ rừng tại xã Ia Kênh. Nhưng không hiểu vì lý do gì, những khoảnh rừng cách đó không xa, dọc theo đường tránh đã bị kẻ xấu phá hoại, lấn đất. Tại những khoảnh rừng có rẫy của dân xâm canh, có nhiều cây thông dường như bị ken cây chưa lâu, thân đang còn rỉ nhựa. Số khác đã bị héo rũ. Tất cả những cây thông bị ken đều sẽ chết. Cách khắc phục duy nhất là trồng lại!
Ông Nguyễn Tất Thành- Phó trưởng Ban phụ trách BQL thừa nhận: “Thời gian qua đã có tình trạng người dân ken cây, chặt đốt thông trái phép. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền xã Ia Kênh, xã Gào để tìm đối tượng phá thông và đã phát hiện, xử phạt hành chính một số đối tượng. Chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền đến người dân về công tác bảo vệ rừng, đồng thời báo cáo lên trên để có phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Đối với diện tích rừng bị xâm lấn, chúng tôi cũng kiên quyết thu hồi để trồng lại rừng”. 
Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.


Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.