Ia Pa: Xử lý nợ tín dụng trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với các trường hợp thực sự khó khăn và khoản nợ nằm trong diện xử lý rủi ro, Agribank Ia Pa thực hiện miễn, giảm lãi suất nhằm khuyến khích khách hàng tìm nguồn thu để trả nợ.

Miễn, giảm lãi suất đối với khách hàng có khoản nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là nhiệm vụ quan trọng mà Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) đang triển khai trên toàn hệ thống theo nội dung Nghị quyết kỳ họp Hội đồng thành viên lần thứ VII năm 2017 gắn với việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội.

 

Việc thực hiện miễn giảm lãi suất của Agribank Ia Pa giúp người dân phục hồi sản xuất. Ảnh: Đ.T
Việc thực hiện miễn giảm lãi suất của Agribank Ia Pa giúp người dân phục hồi sản xuất. Ảnh: Đ.T

Tại huyện Ia Pa, việc thực hiện miễn, giảm lãi suất đối với khách hàng hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số (DTTS) được xác định là giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp với dư nợ gốc từ 100 triệu đồng trở xuống và đã được xử lý rủi ro. Ngay từ tháng 10-2017, Agribank Ia Pa đã làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể về việc phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ chính sách miễn, giảm lãi suất gắn với việc thu hồi khoản nợ gốc. Đồng thời, đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ xét duyệt đối với các khoản nợ đã xử lý rủi ro trước ngày 15-8-2017. “Đây là biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thực sự gặp rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Để phòng ngừa việc lợi dụng chính sách này, chúng tôi triển khai từng bước rất thận trọng, chặt chẽ với sự phối hợp từ phía chính quyền địa phương”-ông Phạm Văn Nhận-Giám đốc Agribank Ia Pa, cho biết.    

Ia Pa là huyện vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ người DTTS chiếm tới 75% dân số. Vì vậy, 100% nguồn vốn của Agribank Ia Pa tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân chiếm đa phần  món vay nhỏ lẻ nhưng chiếm tới 90% tỷ trọng dư nợ. Qua thực tiễn hoạt động đầu tư vốn cho thị trường nông nghiệp, nông thôn cho thấy, đa phần khách hàng nông hộ, đặc biệt là người DTTS, gặp rủi ro trong hoạt động sản xuất bởi tình trạng mất mùa, thiên tai, giá cả vật nuôi, nông sản xuống thấp hoặc chưa biết cách sử dụng đồng vốn hiệu quả. Do đó, tỷ lệ nợ quá hạn của khách hàng người DTTS hiện chiếm khá cao, một số hộ vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại nên thiếu thiện chí trả nợ cho ngân hàng. Mặt khác, vẫn còn tình trạng nhiều hộ vừa vay ngân hàng vừa vay bên ngoài dẫn đến mất khả năng cân đối tài chính. Ông Siu Beng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kdăm, nhìn nhận: “Người dân thường có tâm lý muốn có tiền nhanh nên tự vay bên ngoài khi có nhu cầu trang trải sinh hoạt, chữa bệnh, phục vụ sản xuất. Vay nhiều nhưng nguồn thu không đủ để trả nên lâu ngày nợ gốc và lãi dồn lại”.  

Nhờ thực hiện chủ trương miễn, giảm lãi suất, chỉ tính riêng năm 2017, Agribank Ia Pa đã xử lý, thu hồi khoảng 3 tỷ đồng/150 món vay. Còn tính đến tháng 6-2018, đơn vị đã xử lý 70 món vay/1,5 tỷ đồng, trong đó 95% món vay là của các hộ DTTS. “Bên cạnh việc áp dụng các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho bà con, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tái đầu tư vốn tín dụng đối với những hộ thực sự có nhu cầu, có đủ điều kiện sản xuất. Điều này sẽ giúp bà con phục hồi hoạt động sản xuất, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn”-ông Phạm Văn Nhận khẳng định.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

(GLO)- Lần đầu tiên chủ trương xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) được thực hiện ở Gia Lai. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của địa phương.